Nhiều quy định trong lĩnh vực xây dựng rất khó vận dụng trong thực tiễn.

Nhiều quy định trong lĩnh vực xây dựng rất khó vận dụng trong thực tiễn.

Phòng hơn chữa

(ĐTCK) Nhiều luồng dư luận khá trái chiều đang tiếp tục bùng lên về chính sách liên quan đến nhà giá rẻ và chất lượng của nó. Các nhà hoạch định chính sách vẫn tin vào tính đột phá của ưu đãi dành cho người có thu nhập thấp, trong khi giới đầu tư, nhà nghiên cứu lại hoài nghi với những hậu quả đã từng xảy ra trong quá khứ. Câu hỏi được đặt ra, không hiểu khi xây dựng chính sách này, các nhà hoạch định đã cân nhắc kỹ bài toán dự báo tác động của chính sách.

Lại nhắc tới những ồn ĩ hồi tháng trước về dự thảo quy định của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý hành nghề xe ôm với đề xuất cấp giấy phép kinh doanh cho đối tượng này. Khi đó, nhiều người đã gọi dự thảo là "trói cẳng chim trời", khi đặc thù của ngành nghề kinh doanh này là hành nghề cá nhân, thời vụ… Đã có những thay đổi theo hướng thông thoáng hơn, song vấn đề chính vẫn chưa được ban soạn thảo đưa ra, đó là dự báo tác động của chính sách này tới hoạt động thực tiễn của những đối tượng chịu điều chỉnh, tác động xã hội - kinh tế… liên quan.

Có vẻ như Bộ Giao thông Vận tải mấy tháng qua được nhắc tới hơi dày khi cũng trong tháng 3, bộ này lại vướng phải phản ứng từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về dự thảo quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Với yêu cầu mỗi doanh nghiệp, đơn vị vận tải phải có số lượng xe tối thiểu từ 30 đến 50 chiếc (tuỳ địa bàn đăng ký kinh doanh), bộ này bị cho là tạo thêm giấy phép con trói doanh nghiệp, thậm chí trái với quy định của Luật Doanh nghiệp vì can thiệp vào quyền chủ động của doanh nghiệp… Mọi tranh luận đang tiếp tục.

Dẫu sao thì những tranh luận này đang theo hướng xây dựng, vì tất cả đều trong giai đoạn dự thảo, nghiên cứu đề xuất. Việc tham gia ý kiến phản biện vào thời gian này hoàn toàn hợp lý, tránh cho cơ quan soạn thảo lâm vào tình thế "há miệng mắc quai" như đã từng xảy ra ở một số địa phương, bộ, ngành hồi năm ngoái do bị Bộ Tư pháp thổi còi, yêu cầu thu hồi văn bản.

Gần đây nhất là việc UBND TP. Hà Nội phải rút lại Quyết định 79 quy định chỉ cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp có sổ đỏ, thay vì quy định của pháp luật hiện hành, người dân chỉ cần đáp ứng 1 trong 11 giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất là đủ điều kiện được cấp phép xây dựng… Giá như trước khi ban hành quyết định này, UBND TP. Hà Nội tiến hành lấy ý kiến rộng rãi, xây dựng bản đánh giá dự báo tác động của chính sách với văn bản thì có lẽ mọi việc đã không bị đẩy đi quá xa như vậy. Điều đáng ngại là chất lượng, năng lực điều hành trong con mắt người dân, doanh nghiệp của các cơ quan, địa phương bị giảm điểm.

Vào cuối năm ngoái, thống kê của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, tỷ lệ văn bản có vi phạm trên cả nước ở mức rất cao, trung bình mỗi tỉnh có tới vài chục văn bản thuộc diện bị thổi còi. Quảng Ninh đứng đầu với 979/50.000 văn bản được kiểm tra. Hậu quả của các văn bản vi phạm này chắc chắn là những thua thiệt của một bộ phận dân chúng, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp đã khởi động Tổ công tác về đánh giá dự báo tác động của pháp luật nhằm đảm bảo các văn bản pháp luật có chất lượng cao hơn. Quá trình này sẽ bắt đầu ngay khi có những thảo luận đầu tiên về dự kiến thay đổi và được tiến hành song song với quá trình xây dựng đề xuất về thay đổi chính sách. Tổ công tác sẽ chủ động tham gia vào dự thảo văn bản pháp luật do các bộ, ngành, địa phương đề xuất.

Cũng phải nói rằng, hoạt động này đã được thí điểm thực hiện khi xây dựng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vào năm 2005. Khi đó, giới chuyên gia kỳ vọng vào chất lượng thực tiễn cao của các văn bản pháp luật sau đánh giá dự báo. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các luật này đang được sửa đổi do những điểm vênh với văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Có vẻ như nếu quá trình này không được coi là một phần không thể tách rời của quá trình xây dựng chính sách, không có những hành động kiên quyết trong việc đề nghị sửa đổi, bãi bỏ các văn bản hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả về mặt chi phí, hiệu quả chung sẽ khó đạt được.