Phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau

Với những thành công đã đạt được qua 15 năm triển khai Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin (Tổng cục Thống kê) tin rằng, Việt Nam tiếp tục thành công trong việc thực hiện Phát triển bền vững toàn cầu được Liên hợp quốc đặt ra, với mục tiêu cao nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành công trong triển khai MDGs. Cụ thể, Việt Nam đã đạt được những gì, thưa ông?

Tháng 9/2000, Việt Nam cùng với 188 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc ký Tuyên bố Thiên niên kỷ thể hiện cam kết hợp tác toàn cầu mới về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường, với 8 mục tiêu chung và 18 mục tiêu cụ thể. MDGs nhằm tiến tới xây dựng một thế giới không còn nghèo đói, tất cả trẻ em được học hành, sức khỏe của người dân được nâng cao, môi trường được duy trì bền vững và mọi người được hưởng tự do, công bằng và bình đẳng.

Phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin (Tổng cục Thống kê).

MDGs kết thúc vào năm 2015. Qua 15 năm thực hiện MDGs, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã gặt hái được thành công nhiều nhất.

Cụ thể, trong 8 mục tiêu đặt ra tại MDGs, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 4 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, tăng cường sức khỏe bà mẹ); 4 mục tiêu còn lại đạt được nhiều tiến bộ.

So với MDGs thì Phát triển bền vững toàn cầu (SDGs) có độ bao phủ rộng hơn rất nhiều. Thưa ông, để đạt được thành công trong thực hiện SDGs chắc khó khăn hơn nhiều so với MDGs?

Nếu như MDGs chỉ gồm 8 mục tiêu chung, 18 mục tiêu cụ thể và 48 chỉ tiêu, thì SDGs có 17 mục tiêu chung, 169 mục tiêu cụ thể và 230 chỉ tiêu để thực hiện từ năm 2015 đến 2030, với những mục tiêu đặt ra rất cụ thể như đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho tất cả mọi người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm đầy đủ và việc làm tốt cho tất cả mọi người; thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững…

Từ các mục tiêu SDGs, Việt Nam lượng hóa ra 158 chỉ tiêu và 115 mục tiêu cụ thể. Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, toàn xã hội phải quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước coi SDGs là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chỉ quyết tâm thôi chưa đủ, vấn đề là phải giao cụ thể đầu việc cho từng bộ, ngành thực hiện vì SDGs liên quan đến tất cả các bộ, ngành, địa phương, người dân và toàn xã hội?

Thành công trong triển khai MDGs không chỉ là quyết tâm, mà được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Ở góc độ quốc gia, Quốc hội đặt ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cho giai đoạn 5 năm, trong đó bao giờ cũng có các chỉ tiêu tổng quát như giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tỷ lệ lao động qua đào tạo...

Coi SDGs là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, vì vậy, Thủ tướng đã giao cụ thể từng đầu việc cho từng bộ, ngành.

Ví dụ, trong mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục có 10 đầu việc, được phân công cụ thể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước. Công việc phân rất rõ ràng, nên không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm. Với quyết tâm rất cao và có kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ thành công trong thực hiện SDGs.

Nếu như thực hiện thành công MDGs mất một tỷ USD, thì để thành công SDGs, phải bỏ ra gấp cả trăm lần. Vấn đề là nguồn lực tài chính để thực hiện, chứ không chỉ có quyết tâm và phân công đầu việc cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, thưa ông?

Chính vì vậy, trong giải pháp thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua hệ thống thuế, chính sách thuế; tiết kiệm chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện SDGs.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các bộ, ngành, địa phương chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện SDGs.

Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng yêu cầu phải lồng ghép các mục tiêu SDGs trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan; lồng ghép đầy đủ các mục tiêu SDGs vào Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, các quy hoạch phát triển của ngành và địa phương giai đoạn 2021 - 2030.

Tin bài liên quan