Phải tăng được năng suất lao động, người lao động mới có chỗ đứng

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên khoáng sản đã tới hạn, vì vậy, muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, ngoài đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, phải tăng được năng suất lao động. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động không thể tăng được năng suất khi họ không có chỗ ở ổn định.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông có nghĩ rằng, người lao động, đặc biệt là lao động làm việc trong khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở?

Vấn đề nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao) chưa bao giờ bớt bức xúc. Hàng triệu lao động đang trực tiếp làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó chỉ khoảng 20% có chỗ ở ổn định do làm việc gần gia đình, được doanh nghiệp hỗ trợ về chỗ ở hoặc mua được nhà ở xã hội, còn lại đều phải thuê nhà, sống tạm bợ.

Người công nhân không có chỗ ở ổn định, chưa kể môi trường chỗ ở không bảo đảm an ninh trật tự, hạ tầng xã hội tối thiểu như nhà trẻ, trường học và các nhu cầu khác phục vụ đời sống hàng ngày không bảo đảm, thì làm sao người lao động đủ sức khỏe, yên tâm làm việc để tăng năng suất lao động.

Các động lực tăng trưởng kinh tế như thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên khoáng sản đã tới hạn, muốn tăng trưởng kinh tế, bắt buộc phải tăng năng suất lao động, cùng với đẩy mạnh đào tạo nghề, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Tăng năng suất lao động phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, trong đó giải pháp ổn định chỗ ở cho người lao động được xem là quan trọng nhất, bởi chỉ an cư mới lạc nghiệp.

Thực tế trong 10 năm nay, Chính phủ đã quan tâm tới nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, thưa ông?

Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP đẩy mạnh phát triển nhà ở cho một số đối tượng, trong đó có nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 giải quyết được chỗ ở cho 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Từ đó đến nay, đã có hàng loạt cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được ban hành như Nghị định 188/2013/NĐ-CP và Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội... Gần đây nhất (ngày 25/1/2017), Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh nhà ở xã hội. Chiến lược phát triển phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Nhìn chung, các cơ chế chính sách về phát triển nhà ở nói chung, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp nói riêng đều khẳng định có chỗ ở thích hợp và an toàn là một trong những quyền cơ bản, là điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước; phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng kết quả đạt được thì quá thấp, thưa ông?

Thực tế thì chỉ có một tỷ lệ rất ít công nhân trong các khu công nghiệp có được chỗ ở ổn định, đặc biệt là số người được hỗ trợ để mua, thuê mua, thuê nhà ở, còn tuyệt đại đa số gặp khó khăn, thậm chí bức xúc về nhà ở do thiếu diện tích, điều kiện vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đảm bảo.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc này, nên không dành đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Thậm chí, một số địa phương chỉ quan tâm đến phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, thay vì phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đây là nguyên nhân khiến mục tiêu giải quyết 70% nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vào năm 2020 khó đạt được.

Tựu trung, việc không đạt được mục tiêu 70% công nhân khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở, ngoài tinh thần chỉ đạo của các địa phương chưa quyết liệt, còn có 2 nguyên nhân là thiếu mặt bằng và thiếu vốn, khiến hàng vạn công nhân đang ngày đêm đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước vẫn phải sống tạm bợ, không bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cả về vật chất lẫn tinh thần và đây cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động của công nhân Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với các nước trong khu vực.

Thưa ông, cả chính sách đất đai và tài chính đều đã có?

Đúng là đã có, như quy định về quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, khu công nghiệp đang hình thành bắt buộc phải có quỹ đất sạch để xây dựng nhà ở cho công nhân. Khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có mặt bằng hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân thì UBND cấp tỉnh phải bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng.

Đối với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích thì UBND cấp tỉnh phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để sử dụng một phần diện tích đất của khu công nghiệp sang xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.

Còn về tài chính, theo cơ chế hiện hành, bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người có nhu cầu mua nhà… nguồn vốn để triển khai chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp còn có nguồn đầu tư trực tiếp từ ngân sách trung ương; vốn trái phiếu chính phủ; quỹ phát triển nhà ở của địa phương, vốn ưu đãi từ Ngân hàngChính sách xã hội hoặc từ các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định… và quan trọng nhất là nguồn vốn của chính các địa phương phải bỏ ra để thực hiện chương trình này.

Thực ra, ngân sách địa phương cũng không dư giả gì, nhiều địa phương thu thấp, ngân sách trung ương còn phải bù?

Không nên nghĩ có tiền mới chăm lo đời sống cho người lao động. Hiện có không ít địa phương thu ngân sách đạt từ 10.000 - 30.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra vì sao địa phương lại có số thu ngân sách lớn như vậy nếu không phải chủ yếu do người công nhân lao động đóng góp.

Chính quyền địa phương phải coi việc xây nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của mình, phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành vì không ai khác, mà chính người công nhân đã góp phần rất quan trọng cho nhiều địa phương giàu lên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như ngân sách địa phương. Địa phương kêu không có tiền sao không phát hành trái phiếu để đầu tư?

Nhà ở cho công nhân được coi là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các cấp phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội nói chung là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để huy động doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Tin bài liên quan