Check in tại quầy ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Check in tại quầy ở sân bay Tân Sơn Nhất.

"Ông lớn" cảng hàng không đề xuất điều chỉnh khung giá vé máy bay nội địa

ACV đã đề xuất điều chỉnh khung giá thu theo lộ trình từ 2015-2020 đối với hành khách đi tuyến quốc nội tại một số cảng mới đầu tư, thuộc các địa bàn có kinh tế phát triển, phục vụ khách du lịch có điều kiện về kinh tế nhất định như cảng Nội Bài, Đà Nắng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh, Phú Bài.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải thông báo về kế hoạch đầu tư các dự án trong giai đoạn 2016 - 2018.

Tại công văn này, ACV cho biết, trong giai đoạn 2016 -2018 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho các cảng hàng không có lượng khách tăng trưởng cao, có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, khai thác hiệu quả, có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội như: Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, CHKQT Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Đồng Hởi, Côn Đảo, Phù Cát…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này theo báo cáo của ACV lên tới hơn 26.200 tỷ đồng, trong đó dành khoảng hơn 7.770 tỷ đồng đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thuộc khu bay và hơn 18.430 tỷ đồng đầu tư nâng cấp công trình nhà ga, sân đậu…

Đáng lưu ý, tại công văn này, ACV cũng xin một loạt cơ chế ưu đãi. Theo đó, ACV kiến nghị tiếp tục được trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định tối đa 995 tỷ đồng/năm. Theo ACV, do ngành nghề kinh doanh cốt lõi của ACV là đầu tư, khai thác cảng hàng không sân bay, vì vậy hoạt động sửa chữa lớn tài sản phát sinh rất lớn theo chu kỳ, để đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh và tạo nguồn cho hoạt động sửa chữa lớn tài sản theo chu kỳ.

ACV đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét về việc phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội hiện nay theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống từ 2 - 4 lần trong vòng 5 năm sau cổ phần hóa để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và khai thác tài sản.

Theo lý giải của ACV, về cơ cấu, số lượt vận chuyển và sản lượng hành khách quốc nội chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng phục vụ. Tuy nhiên theo Quyết định số 1992/QĐ-BTC ngày 15/08/2014 ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay quốc nội thấp hơn khoảng 2,5 lần tàu bay quốc tế, mức phí phục vụ hành khách cũng thấp hơn từ 2,5 - 8 lần tùy theo từng sân bay, mức phí soi chiếu an ninh cũng thấp hơn 6 lần. Trong khi đó, về mặt chi phí đầu tư cảng quốc tế và quốc nội chỉ chênh lệch nhau từ 20- ­30%.

Theo đó, ACV đề xuất, trước mắt, xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh khung giá thu theo lộ trình từ 2015-2020 đối với hành khách đi tuyến quốc nội tại một số cảng mới đầu tư, thuộc các địa bàn có kinh tế phát triển, phục vụ khách du lịch có điều kiện về kinh tế nhất định như cảng Nội Bài, Đà Nắng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh, Phú Bài.

"Qua đó sẽ góp phần tăng thu, tăng tích lũy, thúc đẩy quá trình tái đầu tư của ACV, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, về vẩn đề này, ACV sẽ trình phương án cụ thể đối với từng cảng khi được chấp thuận về mặt chủ trương", ACV cho biết.

Bên cạnh đó, ACV cũng đề xuất Bộ xem xét điều chỉnh cơ chế chiết khấu giá hiện tại, phù hợp với năng lực khai thác của các hãng hàng không nội địa sau khi ACV đã trở thành công ty cổ phần để minh bạch hóa về các nguồn thu đối với các cổ đông, đồng thời thiết lập một mặt bằng kinh doanh bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa.

Ngoài ra, ACV cũng kiến nghị sẽ là đơn vị được ưu tiên trong việc lựa chọn giao đất để cung cấp các dịch vụ trong hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không, trừ trường hợp ACV không kinh doanh (có ý kiến bằng văn bản) thì mới giao cho đơn vị khác để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.

"ACV tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê và thuế đất theo qui định hiện hành. Đất thuộc quy hoạch Cảng hàng không chỉ được giao để phục vụ những mục đích sử dụng trong dây chuyền hàng không, không phục vụ những mục đích khác", báo cáo cho biết.

Đối với khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà ACV đã chi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không, ACV cũng đề nghị nhà nước xem xét, đánh giá bổ sung vào giá trị tài sản của ACV cho các khoản đầu tư này.

Tin bài liên quan