Chính phủ đã khẳng định, riêng về thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai. Trong ảnh: Nhà đầu tư đang tiến hành thi công tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Chính phủ đã khẳng định, riêng về thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai. Trong ảnh: Nhà đầu tư đang tiến hành thi công tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Nỗi niềm nhà báo chưa… tròn vai

Chuyện tụ tập đám đông ở một số địa phương phản đối việc cho thuê đất 99 năm trong đặc khu, phản đối Luật An ninh mạng do nhiều nguyên nhân, nhưng tự trong sâu thẳm, chúng tôi - những nhà báo “có thẻ” - đều hiểu rằng, có phần trách nhiệm của cá nhân mình. Bởi chúng tôi thực sự vẫn chưa… “tròn vai”.

Nguyên nhân của những cuộc tụ tập đó thì có nhiều. Là do một bộ phận người dân chưa hiểu rõ thông tin về các điều khoản trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu), cả Luật An ninh mạng, mà Quốc hội vừa mới thông qua. Nhưng cũng chẳng loại trừ nguyên nhân bị kẻ xấu kích động, lợi dụng…

Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội vào những ngày cuối tuần qua, cũng đã nói như vậy. Rằng, một số người đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động chống đối, phá hoại. 

Trên thực tế, sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội lùi thời gian xem xét thông qua Luật Đặc khu, đồng thời khẳng định, riêng về thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Thông tin được chính thức phát đi vào rạng sáng ngày 9/6, được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ngày 10/6, một số đối tượng vẫn kích động một số người dân đi tụ tập, phản đối Luật. “Chứng tỏ họ có ý đồ khác”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy.

Và đó là sự thật.

Thực tế, chủ trương xây dựng đặc khu đã được đề xuất từ lâu, đó là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Hơn 20 năm qua, và đặc biệt trong 4-5 năm gần đây, công tác chuẩn bị cho việc xây dựng đặc khu đã được tiến hành rất cẩn trọng, nhất là đối với Luật Đặc khu và các đề án thành lập đặc khu.

Nhưng rồi, vẫn có những đối tượng lợi dụng điều khoản trong Luật về việc có thể cho thuê đất lên tới 99 năm để kích động người dân.

Và nhiều người dân tin vào sự kích động đó. Bởi họ sợ cho thuê đất 99 năm thì sẽ mất nước. Cứ thế tin mà không hiểu rằng, chuyện cho thuê đất 99 năm ở đặc khu không phải là “nhượng địa”, mà là cho thuê đất theo dự án.

Nhiều nước cũng đã cho thuê đất 99 năm. Cam kết dài hạn như vậy để những nhà đầu tư “hạng nhất” đổ vốn vào đặc khu. Mà không phải dự án nào cũng được, chỉ những dự án đặc biệt mới được hưởng cơ chế đó. Và quyền quyết định là ở Thủ tướng Chính phủ. 

“Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để người ta vào làm rối mình, không ai ngây thơ thế”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Nhưng đó là chuyện sau này. Còn lúc đó, hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm. Lại thêm bị kẻ xấu kích động, chuyện tụ tập đông người đã diễn ra. Xót xa biết bao nhiêu khi nhìn nhiều tài sản bị đập phá, khi chứng kiến những giọt mồ hôi, và cả những giọt máu mặn mòi đã chảy xuống.

Càng xót xa thì càng đau đáu nỗi niềm rằng, chính mình và không ít đồng nghiệp khác - những nhà báo “có thẻ” đã thực sự chưa tròn trách nhiệm của mình.

Nếu các nội dung của Dự luật Đặc khu, và cả Dự luật An ninh mạng được thông tin đầy đủ tới nhân dân cả nước, đặc biệt đối với những nội dung nhạy cảm như cho thuê đất 99 năm, sẽ không có chuyện một số người dân bị kích động, lôi kéo, tụ tập, gây mất an ninh, trật tự tại nhiều địa phương.

Nếu các nhà báo tâm huyết và thực sự làm tròn trách nhiệm của mình, những vụ việc đáng tiếc có thể đã không xảy ra.

Lại nhớ chuyện 4 năm trước, phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phản đối nhà đầu tư Formosa, cũng đã xảy ra chuyện người dân biểu tình, đập phá công xưởng, nhà máy của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hậu quả khá nặng nề.

Rất may khi ấy, Chính phủ đã kịp thời vào cuộc, xử lý hậu quả, gửi thông điệp tới nhà đầu tư nước ngoài, báo chí cũng kịp thời thông tin, nên các nhà đầu tư đã nhanh chóng lấy lại niềm tin, để tiếp tục yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Hơn 4 năm qua kể từ sự kiện tháng 5/2014 ấy, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày một mạnh. Việt Nam vẫn luôn là địa điểm đầu tư hàng đầu được lựa chọn, với một trong những ưu điểm lớn nhất là sự ổn định về chính trị.   

Ngày 11/6/2018, tham dự Hội nghị Tương lai châu Á tại Tokyo (Nhật Bản), Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam cam kết luôn duy trì “ba ổn định” để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đó là ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách. Và thông điệp đó đã ngay lập tức nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyển tải được những thông điệp đó tới nhà đầu tư nước ngoài, một phần là nhờ có sự tích cực của các cơ quan truyền thông. 

Một sự tình cờ thú vị. Đó là trong khi báo chí Việt Nam đang trong những ngày hồ hởi kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi được tham dự một cuộc tọa đàm rất thú vị về xu hướng truyền thông trong thời đại mới.

Khi được hỏi, đâu là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc đưa tin của các nhà báo, gần như tất cả những phóng viên có mặt tại đó đều khẳng định đó là tính “nhanh”. 

Cũng phải, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chỉ chậm đưa thông tin sau đối thủ một vài phút, đã là một sự thất bại. Nhưng suy đi tính lại, nhanh chưa phải là đủ.

Với những thông tin có ý nghĩa lớn đối với kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của một quốc gia, cần phải thông tin một cách thận trọng, dựa trên lợi ích quốc gia.

“Dựa trên lợi ích quốc gia?”. Nói điều đó có thể khiến một vài nhà báo cho là điều sáo rỗng. Nhưng giả sử, ngay cả nhà báo cũng “vào hùa”, cũng đưa tin một cách thiếu kiểm chứng, thiếu suy nghĩ thì rất có thể lại như một “mồi lửa” đẩy mọi chuyện lên cao.

Và hệ lụy là môi trường đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng. Thậm chí, sẽ có những cái nhìn sai khác về sự ổn định kinh tế, chính trị, an ninh… mà bấy lâu nay, Việt Nam dày công xây dựng. Không chỉ thu hút đầu tư bị ảnh hưởng, mà kinh tế - xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Bởi thế, hơn 20 năm làm báo, tôi vẫn cứ đau đáu nỗi niềm rằng, có thể mình đã không “tròn vai” một nhà báo chân chính.

Nhiều tác phẩm cũng đã đoạt giải báo chí, ví như loạt bài “30 năm FDI: Hành trình cùng Đổi mới”, năm nay đã đoạt tới hai giải thưởng (Giải B Báo chí Quốc gia và Giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại), nghĩa là cũng đã được đánh giá cao về chất lượng;

Nhưng rồi cứ băn khoăn, liệu tác phẩm đó có góp phần giúp các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn về Việt Nam, giúp dư luận hiểu đúng hơn về những đóng góp của khu vực này cho kinh tế - xã hội Việt Nam hay không…?

Tôi tin là mỗi nhà báo chân chính, khi đặt bút viết bài, đều đau đáu nỗi niềm ấy. Còn đau đáu nỗi niềm mình chưa “tròn vai” thì còn là một nhà báo có trách nhiệm.

Tin bài liên quan