Hoạt động đăng ký kinh doanh với công thức “tiền đăng, hậu kiểm”, thì chất lượng của hậu kiểm vẫn chưa được kiểm soát.

Hoạt động đăng ký kinh doanh với công thức “tiền đăng, hậu kiểm”, thì chất lượng của hậu kiểm vẫn chưa được kiểm soát.

Nỗi lo hậu kiểm

(ĐTCK) Đề xuất về chuyển cách quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đối với các thủ tục phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đang được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị giải trình thêm. Nhiều lo ngại trong thực hiện hình thức quản lý mới đã khiến thuận lợi trong giảm thủ tục hành chính vốn bị nhiều nhà đầu tư kêu ca là kéo dài thời gian xây dựng gần như không được cân nhắc đầy đủ.

Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Kinh tế, lý do được đưa ra là việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Đặc biệt, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này mỏng và khó thực hiện “hậu kiểm” hết các dự án, công trình sau đầu tư. Như vậy, nhiều khả năng sẽ có những vi phạm, gây hậu quả khó lường.

Theo đề xuất của Ban soạn thảo dự án luật này, thì thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy được đưa ra là người có thẩm quyền quyết định đầu tư tự thiết kế và thực hiện đầu tư. Cơ quan về phòng cháy, chữa cháy sẽ tiến hành kiểm tra thực tế trước khi đưa công trình vào vận hành. Như vậy, nhà đầu tư sẽ chủ động tiến độ thi công công trình, chịu trách nhiệm toàn bộ về hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo Luật Phòng cháy, chữa cháy. Mục tiêu chủ động cho nhà đầu tư trong trường hợp này khá hữu hiệu.

Áp lực của cơ quan phòng cháy, chữa cháy đương nhiên là sẽ lớn hơn ở chỗ, thay vì chỉ phê duyệt bản thiết kế trên giấy, các chuyên gia buộc phải thực hiện kiểm tra tại công trình, đảm bảo thời gian theo yêu cầu của chủ đầu tư. Trong trường hợp này, nếu mọi việc được thực hiện đúng quy định, thì chất lượng hệ thống phòng cháy, chữa cháy sẽ được đảm bảo hơn nhiều so với việc phê duyệt thiết kế. Tất nhiên, sự chuyển đổi hình thức quản lý này sẽ kéo theo thay đổi về mô hình hoạt động, con người, máy móc của bộ máy quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy hiện tại. Sẽ cần một khoản đầu tư không nhỏ, trong một thời gian không ngắn…

Song, lo ngại của Uỷ ban Kinh tế là có lý khi cho tới thời điểm này, sau gần 10 năm “phát động” chuyển hình thức từ tiền kiểm sang hậu kiểm, mà khởi đầu là hoạt động đăng ký kinh doanh với công thức “tiền đăng, hậu kiểm”, thì chất lượng của hậu kiểm vẫn chưa được kiểm soát. Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hậu kiểm vẫn dừng lại trên các số liệu báo cáo. Nghĩa là địa phương nào có được sự đồng thuận của doanh nghiệp, nhận được báo cáo đầy đủ theo yêu cầu thì nơi đó có tương đối đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, hầu hết địa phương đều thừa nhận khó đạt được mức kỳ vọng trên. Phần lớn cách làm hiện tại là khoanh vùng đối tượng thuộc diện nghi vấn cao để tiến hành hậu kiểm, theo dõi. “Vì không có cơ sở để từ chối cấp đăng ký kinh doanh, ngay cả với doanh nghiệp ‘khả nghi’ như giám đốc đăng ký là những người không có trình độ..., chúng tôi tập hợp thành nhóm doanh nghiệp đỏ và có cơ chế hậu kiểm thường xuyên theo đúng yêu cầu. Phần lớn doanh nghiệp còn lại hầu như chỉ được quan tâm đến trong những đợt kiểm tra tổng thể hay vào giai đoạn cần số liệu để báo cáo”, một chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư  TP. Hải Phòng cho biết.

Trên thực tế, không phải các đề xuất giảm thiểu thủ tục hành chính đều mang lại những kết quả như tính toán. Ngay cả những dự thảo sửa đổi về điều kiện đầu tư theo hướng dẫn chiếu tới các quy định của pháp luật chuyên ngành thay vì liệt kê cụ thể ngành nghề, lĩnh vực nhằm cải thiện thực trạng danh mục không cập nhật đủ và kịp thời theo các quy định của pháp luật chuyên ngành tưởng như giảm bớt ít nhất một văn bản phải đọc cho nhà đầu tư, song lại không được nhiều sự ủng hộ từ các đối tượng hưởng lợi này. Ông Trần Anh Đức, thành viên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phân tích rằng, với thực trạng quá nhiều văn bản có liên quan, quy định nhiều khi chồng chéo, nhà đầu tư rất khó xác định các lĩnh vực đầu tư có điều kiện một cách đầy đủ. Và trong trường hợp này, có một danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện để nhà đầu tư tiện tham khảo là giải pháp tốt hơn cả, cho dù không phải là giải pháp tốt nhất.

Mặc dù việc sửa đổi quy định liên quan đến đầu tư có điều kiện có thể sẽ dừng lại theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế vì chưa thực sự cấp bách, nhưng nhu cầu của nhà đầu tư nên được cân nhắc trong những lần sửa đổi sau. Ngay cả việc tách giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng không phải được nhà đầu tư nước ngoài đón nhận. Ông Đức cho biết, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc tách ra có thể tạo thêm gánh nặng cho nhà đầu tư nước ngoài khi những cải thiện trong thủ tục hành chính, đặc biệt trong quy trình làm việc, năng lực của các công chức chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư…