Nỗi lo Corona ngấm vào doanh nghiệp Việt

Nỗi lo Corona ngấm vào doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) Hàng trăm nhà sản xuất lớn có liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn sản xuất. Robert Bosch GmbH, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới, đã phải đóng cửa hai nhà máy sử dụng tổng cộng 800 người tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô khác, bao gồm Honda Motor Co. Ltd. và Nissan Motor Co. Ltd., cũng đã đóng cửa các cơ sở của họ tại Vũ Hán.

Bài báo trên Bloomberg ra ngày 5/2/2020 đã đưa tin như vậy và cho rằng, sự gián đoạn sản xuất sẽ lan rộng do Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa sản xuất trung gian lớn nhất có thể được bán lại giữa các ngành công nghiệp hoặc được sử dụng để sản xuất những thứ khác.

Vấn đề của Trung Quốc nhanh chóng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dẫn dữ liệu phân tích từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Bloomberg cho biết, chuỗi cung ứng châu Á nhập khẩu khoảng 40% hàng hóa trung gian.

Hoa Kỳ đã nhập khẩu khoảng 10% hàng hóa trung gian từ các nhà máy Trung Quốc.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách nói rằng, còn quá sớm để đánh giá tác động đầy đủ từ dịch cúm do virus Corona, thì những những phản ứng của các doanh nghiệp trước dịch cúm đang ngày càng rõ nét hơn.

Nike Inc. đã đóng cửa khoảng một nửa số cửa hàng tại Trung Quốc, Starbucks Corp đóng cửa khoảng 2.000 quán cà phê, Apple Inc. cho biết chuỗi cung ứng của họ sẽ bị ảnh hưởng…

Tại Việt Nam, tác động của dịch cúm Corona khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Mặc dù đà trượt dốc của cổ phiếu đang chững lại, nhưng không ai có thể khẳng định, diễn biến xấu nhất đã qua đi, nhất là khi chưa thể đo đếm tác động bất lợi của dịch đến từng doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức tài chính trung gian công bố những báo cáo phân tích, đánh giá về tác động trực tiếp của Corona đến các ngành hàng như hàng không, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng…

Các doanh nghiệp ở ngành nghề khác tưởng chừng không liên quan, nhưng thực tế cũng đang chịu tác động không nhỏ.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, nhiều CEO nén tiếng thở dài, không muốn chia sẻ trực tiếp về ảnh hưởng của dịch cúm, mà chỉ phản ánh rằng, kế hoạch sản xuất - kinh doanh bị chậm lại.

Một số doanh nghiệp có hoạt động giao thương với đối tác Trung Quốc bị ảnh hưởng về hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu đầu vào...

Một doanh nghiệp niêm yết bị chậm tiến độ đưa dự án mới vào hoạt động do chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang ngay để cùng phối hợp chạy thử toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc.

Một công ty niêm yết khác đã phải hoãn lại lễ ra mắt sản phẩm mới sau Tết vì có ra mắt lúc này sẽ chẳng mấy ai quan tâm.

Tiêu thụ các sản phẩm ngoài nhóm thực phẩm thiết yếu chậm lại rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh nhịp sản xuất - kinh doanh chậm lại, việc hạn chế, dừng, cấm các hoạt động tụ tập đông người, hội họp cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của nhiều doanh nghiệp.

Trước mắt là mùa Ðại hội đồng cổ đông, nếu dịch bệnh không được kiểm soát một cách rõ ràng, sẽ có nhiều doanh nghiệp không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự để tiến hành đại hội.

Ðại hội là sự kiện lớn nhất của mỗi doanh nghiệp trong năm, nếu không tổ chức được sẽ không bàn được và chốt được kế hoạch kinh doanh 2020.

“Chúng tôi đã chốt danh sách tổ chức ngay đầu tháng 3, nhưng không biết liệu có tổ chức được hay không”, CEO một công ty niêm yết chia sẻ.

Dịch Corona bao phủ nỗi lo lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng ở góc nhìn lạc quan, luôn có cơ hội trong khủng hoảng.

Ở vùng VN-Index 920 điểm, định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E trượt) chỉ còn 14,5 lần.

Nếu bình tĩnh lựa chọn, nhà đầu tư sẽ có cơ hội trở thành cổ đông của những doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn hơn đáng kể so với giá trị thị trường hiện tại.

Chẳng hạn, trong khối bất động sản, những doanh nghiệp chuyên về nhà ở như Nhà Ðà Nẵng, Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðất Xanh, Nam Long, Long Ðiền… tuy chưa thể mở bán, nhưng “cơm không ăn gạo còn đó”, giá trị các dự án không giảm trong khi giá cổ phiếu trên sàn đã giảm thấp.

Ở các ngành nghề khác, có không ít cơ hội đầu tư giá trị dài hạn đang mở ra.

Tin bài liên quan