Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong “thế cân bằng động”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong “thế cân bằng động”.

Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng

Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là một trong nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Nhân dịp đầu Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với Báo Đầu tư những câu chuyện về giáo dục năm qua và định hướng đầu tư trong ngành giáo dục.

Giáo dục đã có một năm 2018 với nhiều mảng sáng, nhưng cũng còn những mảng màu tối khiến xã hội băn khoăn. Bộ trưởng nhìn nhận những mảng màu sáng - tối của giáo dục năm 2018 như thế nào?

Năm 2018 là năm tiếp theo ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những nỗ lực trong một quá trình của ngành đã được ghi nhận trong báo cáo được công bố vào tháng 3/2018 của Ngân hàng thế giới: Việt Nam là một trong 2 quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng; học sinh Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.

Năm 2018, giáo dục phổ thông của Việt Nam tiếp tục đạt thành tích ấn tượng tại các kỳ thi quốc tế: Lần đầu tiên, 100% học sinh các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt huy chương, trong đó đã có những học sinh trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới; vào những ngày cuối năm 2018, đội tuyển học sinh dự kỳ thi khoa học quốc tế cũng đã mang về thành tích cao nhất trong lịch sử.

Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào quốc gia, mà còn khẳng định, giáo dục vẫn đang tiếp tục nỗ lực và đổi thay từng ngày. Đó là những đổi mới trong nội dung, phương pháp giáo dục để dần chuyển đổi từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, lấy người học làm trung tâm.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sau một thời gian biên soạn, lấy ý kiến nhân dân đã được công bố chính thức vào cuối năm 2018 sẽ hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Giáo dục đại học cũng đã có một năm nhiều biến chuyển. Lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học lọt top 1.000 thế giới, 23 trường đã thực hiện thành công thí điểm tự chủ đại học, trong đó có 3 trường đại học đang làm Đề án tự chủ ở mức cao hơn.

Đặc biệt, đổi mới quản trị đại học đang “cởi trói” cho hàng loạt vấn đề vốn là lực cản của giáo dục đại học.

Tuy nhiên, năm 2018 cũng là năm còn nhiều điều phải suy nghĩ với ngành giáo dục: hạn chế trong khâu ra đề thi, lỗ hổng trong khâu tổ chức chấm thi đã bị một số cá nhân lợi dụng để làm sai lệch kết quả Kỳ thi THPT quốc gia; những sự việc về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường; cách xử lý thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương, áp lực nghề nghiệp đến từ nhiều phía khiến giáo viên mất đi động lực để cố gắng… Đây sẽ là những việc đặt ra cho ngành giáo dục phải giải quyết ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, năm 2019, Bộ trưởng và ngành giáo dục sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì để củng cố niềm tin của xã hội với giáo dục?

Ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, trong đó, phải tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong từng việc cụ thể.

Năm 2019 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - điểm nhấn quan trọng nhất trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Vì vậy, ngành giáo dục sẽ tập trung cao độ cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Trong đó, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu mới; đảm bảo đủ trường lớp, trang thiết bị tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học; thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Năm 2019, tôi cũng muốn dành sự quan tâm, ưu tiên cho việc giảm áp lực cho giáo viên, tạo động lực cho họ yên tâm công tác. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cắt giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, đã rà soát cắt giảm các cuộc thi, hội thi, nhưng qua thực tế cho thấy, thế là chưa đủ. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, cắt giảm nhiều hơn nữa, trả lại cho giáo viên thời gian làm chuyên môn. Hoạt động thi đua trong mỗi nhà trường phải thực sự thiết thực và hiệu quả.

Tôi cũng đã nhiều lần nói về thu nhập của giáo viên cũng như sự tôn trọng xứng đáng dành cho họ, những việc này vẫn cần tiếp tục phải cải thiện trong thời gian tới bằng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn xã hội.

Đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, dành sự quan tâm cho giáo viên, tạo động lực cho họ chính là đặt nền móng cho thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng khác như đẩy mạnh tự chủ đại học để năm 2019 giáo dục đại học sẽ có bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên để hình thành lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ giáo dục miền núi để tạo điều kiện cho các vùng khó khăn được hưởng những chính sách giáo dục ngày càng tốt hơn.

Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam đang diễn ra và sẽ diễn ra thế nào, thưa Bộ trưởng?

Xã hội hóa giáo dục vừa là quan điểm chỉ đạo, vừa là mục tiêu, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kết quả xã hội hóa giáo dục thời gian qua đã góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục cũng thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý giáo dục, góp phần đưa giáo dục và đào tạo hội nhập với các nước trong vùng và trên thế giới. Nhiều chương trình giáo dục tiên tiến theo hướng tiếp cận năng lực, phát triển các kỹ năng mềm, quan tâm nhiều hơn đến hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh, sinh viên phát triển thể chất, năng khiếu và tính sáng tạo...

Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển giáo dục và đào tạo. Tạo lập môi trường bình đẳng giữa hệ thống giáo dục - đào tạo công lập và ngoài công lập trong tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự tác động của Luật nhằm giải quyết những tồn tại hiện nay của giáo dục đại học?

Có thể nói, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào tháng 11/2018 vừa qua đã mở ra một trang mới cho phát triển giáo dục đại học, mà có thể ngay trong những năm gần đây chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã xác định những nét mới mẻ trong 3 trụ cột của bậc đào tạo này: tự chủ về chương trình, tự chủ về nhân sự với sự tham gia sâu của hội đồng trường, cơ chế tài chính linh hoạt, thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển.

Những hành lang thông thoáng đó sẽ tạo động lực cho giáo dục đại học cạnh tranh. Sau một thời gian nhất định, chẳng hạn 5 năm, có thể trật tự giáo dục đại học sẽ thay đổi, mạng lưới trường đại học sẽ phát triển theo hướng sáp nhập các trường yếu, trường nhỏ để tạo nên những cơ sở đào tạo đại học lớn, có khả năng cạnh tranh, khẳng định về chất lượng.

Giáo dục là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, chất lượng giáo dục không thể “ngày một, ngày hai” có thể đạt tầm như các nước phát triển. Ngành giáo dục đang có nhiều cải tiến, nhưng không phải cải tiến nào cũng mang lại hiệu quả ngay lập tức. Điều này có mâu thuẫn với kỳ vọng của đa số phụ huynh học sinh nói riêng và toàn xã hội là cần phải cải cách toàn diện kịp thời và mang lại kết quả tốt ngay. Trước thực tế này, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới các bậc phụ huynh, giáo viên và xã hội?

Giáo dục được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành. Nhưng giáo dục cũng cần thêm cả sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội. Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới dựa trên những nghiên cứu căn cơ, có học tập kinh nghiệm nước ngoài và cân nhắc các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, thành quả của đổi mới căn bản ngày hôm nay sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước phát triển mạnh trong tương lai.

Yêu cầu đặt ra của xã hội với giáo dục là phải ổn định, bằng chứng là nhiều người không hài lòng khi nhắc đến cụm từ “đổi mới giáo dục”. Nhưng trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong “thế cân bằng động”. Những gì đã tốt chúng ta sẽ giữ ổn định, những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới. Nếu chúng ta vẫn giữ sự “ổn định” của những điều chưa hợp lý, thì đó là sự thụt lùi, bởi xã hội tiến lên từng ngày.

Tôi nói như vậy để mong rằng, các bậc phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục - vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, tính đến năm học 2017-2018, tổng số cơ sở giáo dục các cấp học là 43.907 trường, trong đó có 40.952 trường công lập và 2.955 trường ngoài công lập. Số trẻ em, học sinh ngoài công lập ở nhà trẻ là 85%, mẫu giáo 13%, tiểu học 0,7%, THCS 0,9%, THPT 7% và đại học 13%.

Tính đến năm học 2016-2017, đã có 35 chương trình tiên tiến ở 23 cơ sở đào tạo; 16 chương trình kỹ sư chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Pháp ở 4 cơ sở đào tạo và 56 chương trình chất lượng cao ở các cơ sở khác. Ngoài ra, các trường đại học còn có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới.

Tin bài liên quan