Nhìn lại 120 tỷ USD dòng vốn FDI - Kỳ 2

Nhìn lại 120 tỷ USD dòng vốn FDI - Kỳ 2

Trong kỳ này, GS.TSKH Nguyễn Mại đánh giá lại thực tiễn thu hút vốn FDI năm 2013 và những khuyến nghị cho năm 2014.

Nhìn lại 120 tỷ USD dòng vốn FDI - Kỳ 2 ảnh 1

Với 22 tỷ USD vốn đăng ký trong năm 2013, trong đó khu vực chế tạo có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn nhất          

Quan hệ nội lực và ngoại lực đối với nước ta luôn là vấn đề cần được xử lý thích ứng trong mỗi giai đoạn phát triển. Từ năm 2007 đến nay, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta chậm lại, hàng vạn doanh nghiệp trong nước kinh doanh kém hiệu quả, thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nổi lên như là động lực tăng trưởng đang vận hành tốt. Thực trạng đó đã nảy sinh vấn đề quan hệ nội lực và ngoại lực: Liệu hoạt động của doanh nghiệp FDI có lấn át doanh nghiệp trong nước và cần làm gì để giải quyết vấn đề này? Để tìm được câu trả lời đúng, cần có cách tiếp cận khoa học đối với chủ trương thu hút FDI của nước ta.

Những dự báo của nhiều tổ chức quốc tế vào cuối năm 2013 đều nhận định kinh tế thế giới năm 2014 còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng khoảng 3,5% cao hơn năm 2013. Báo cáo tháng 6/2013 của Diễn đàn Phát triển và Thương mại Liên hiệp quốc (UNCTAD) dự báo, FDI toàn cầu năm 2013 là 1.450 tỷ USD; 2014 là 1.600 tỷ USD và 2015 là 1.800 tỷ USD.

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU và hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 mở ra triển vọng về việc thu hút FDI khi các rào cản về thương mại và đầu tư được dỡ bỏ dần. 

Ngày 9/12/2013, Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) công bố Kết quả khảo sát về đánh giá của giới kinh doanh đối với việc hình thành AEC cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát tỏ ra tự tin với việc hình thành AEC vào năm 2015. 60% doanh nghiệp nhận định việc hình thành AEC sẽ tạo ra cơ hội lớn để phát triển kinh doanh, chỉ 6% doanh nghiệp lo ngại việc hợp nhất sẽ khiến chi phí phát sinh tăng cao. 71% doanh nghiệp cho rằng việc thực thi đầy đủ các chính sách của AEC là  cần thiết để mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp trong ASEAN.

Kết thúc năm 2013 với khoảng 22 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó khu vực chế tạo có hàm lượng công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn nhất, 12 tỷ USD vốn thực hiện, một số dự án có vốn đầu tư hàng tỷ USD đang trong quá trình đàm phán, hoặc chờ phê chuẩn, nhiều dự án lớn đang tiếp tục được triển khai và đưa vào hoạt động trong năm 2014 và 2015; nhiều đoàn nhà đầu tư tiềm năng đã đến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, cơ sở y tế, xây dựng trường đại học, hoặc hợp tác đào tạo dạy nghề và đại học… đã khép lại một năm hoạt động có hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài.

Chưa thể lường hết những thách thức của năm 2014, bởi thế giới hiện đại biến động về chính trị và kinh tế rất nhanh chóng, mọi bất ổn chính trị, xã hội, kinh tế có thể xảy ra cục bộ, hoặc trên phạm vi toàn cầu; tuy vậy, vào thời khắc sắp chuyển sang năm mới, chúng ta có thể hy vọng vào việc tranh phủ cơ  hội mới để thực hiện thành công Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2013 về nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đã có nhiều chủ trương đang được thực hiện liên quan đến FDI, như sửa đổi hệ thống luật pháp, cải cách hệ thống thuế, đơn giản thủ tục hành chính…, nên dưới đây trình bày một số giải pháp để động lực tăng trưởng FDI  vận hành tốt hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Một là, đối với doanh nghiệp FDI đang hoạt động, cần coi trọng hơn tác dụng lan tỏa để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Về ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam phải coi trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm đang có ưu thế về xuất khẩu, như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông, lâm thủy sản… Về dài hạn, khi cơ cấu kinh tế đã được chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới, FDI định hướng chính vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, công nghệ phụ trợ, thì từng bước tham gia chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao.

Để có giá trị gia tăng ngày càng nhiều trên một đơn vị sản phẩm, cần giải quyết những vướng mắc về vốn, tín dụng, đất đai, chính sách ưu đãi để đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sơ sản xuất nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu.

Từ đó, tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp phân phối sản phẩm trong nước với doanh nghiệp FDI theo phương thức thích ứng với từng ngành hàng, để các doanh nghiệp trong nước tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm.

Hai là, đối với các khu công nghiệp đang phổ biến là đa ngành, cần có định hướng tiến đến chuyên nghiệp hóa một vài ngành, tạo nên chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm cuối cùng với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp phân phối đầu ra, nhằm tăng thêm giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, khi có dự án FDI mới, ban quản lý khu công nghiệp tỉnh, thành phố cần lựa chọn địa điểm thích hợp theo định hướng chuyên nghiệp hóa khu công nghiệp. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chuyên nghiệp hóa các khu công nghiệp theo hướng doanh nghiệp trong nước tạo ra sản phẩm đầu vào và dịch vụ đầu ra theo hướng kinh doanh sẽ mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm cuối cùng và doanh nghiệp trong nước.

Việc thành lập khu công nghiệp mới phải được quy hoạch theo hướng chuyên nghiệp hóa từng chuỗi giá trị một hoặc vài sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quản kinh tế cao, không nên cho phép lập thêm khu công nghiệp đa ngành ở các địa phương đã có trình độ phát triển khá.

Ba là, đối dự án FDI mới, cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành kết hợp với vùng lãnh thổ theo hướng ưu tiên và chính sách ưu đãi khác nhau đối với các thành phố và tỉnh đã có trình độ phát triển khá và những địa phương còn kém phát triển.

Trong trường hợp đặc biệt, khi nhà đầu tư có ý tưởng về dự án FDI vào địa phương nằm ngoài quy hoạch, nhưng xét thấy có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế theo mô hình mới, cần tham vấn các cơ quan chuyên môn, chuyên gia kinh tế, công nghệ để tính toán lợi ích mà địa phương và đất nước thu được, nhằm lựa chọn đúng đắn, không nên dễ dãi chấp nhận ý tưởng ban đầu của nhà đầu tư khi chưa có kiểm chứng.

Năm 2013, hàng trăm dự án FDI chậm hoặc không triển khai với vốn đăng ký hàng chục tỷ USD đã bị rút giấy phép, gây thiệt hại khó tính hết đối với nước ta là bài học kinh nghiệm đối với những ai cả tin vào chiếc bánh vẽ của một số nhà đầu tư không có tiềm năng.

Bốn là, từ thực tế của nước ta và kinh nghiệm nước ngoài về  mô hình và phương thức liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành trên thực tế một số chuỗi giá trị ở từng địa phương hoặc vùng lãnh thổ.

Mối liên kết này cũng cần được Cục Đầu tư nước ngoài và Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) quan tâm nghiên cứu để đưa ra chỉ dẫn cho các địa phương về mô hình và phương thức liên kết, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách, luật pháp để khuyến khích mở rộng mối liên kết đó.

Động lực tăng trưởng là nhân tố quyết định tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Do vậy, cùng với việc kích hoạt các động cơ trong nước, việc làm cho động lực FDI hoạt động tốt hơn là vấn đề cần lưu ý khi bước vào năm 2014.

>>Nhìn lại 120 tỷ USD dòng vốn FDI - Kỳ 1