Nhiều rào cản: Hộ kinh doanh không muốn “lên đời”

Nhiều rào cản: Hộ kinh doanh không muốn “lên đời”

(ĐTCK) Thủ tục phức tạp, thị trường khó khăn là những lý do chính khiến đại diện các hộ kinh doanh cho biết, họ không muốn “lên đời” thành doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “Chuyển đối hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – Thực trạng và giải pháp hỗ trợ” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa diễn ra mới đây, rất nhiều ý kiến đề cập đến những khó khăn của các hộ kinh doanh. 

Từ kinh nghiệm của bản thân là một hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp nhỏ, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc CTCP Sản xuất thương mại dịch vụ An Huy thuộc làng nghề Sơn mài Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội cho biết, nếu có chính sách hỗ trợ thuận lợi, các hộ kinh doanh rất muốn được chuyển thành doanh nghiệp bởi tính chuyên nghiệp, bài bản, quy mô trong quản lý kinh doanh và sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh tại địa phương khó có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp do nút thắt về thị trường.

Nếu dùng mệnh lệnh hành chính để nhanh chóng chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu số lượng có thể lại vướng vào bẫy "khoác áo chật"

Là ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống dựa trên sự phát triển của làng nghề, khi ngành sơn mài còn "ăn nên, làm ra" vào thời điểm cách đây 10 năm, rất nhiều hộ kinh doanh đã chuyển thành doanh nghiệp. Song gần đây, do khó khăn về thị trường, những doanh nghiệp nhỏ kiểu này giải thể rất nhiều vì không tồn tại được.

Do đó, giải quyết bài toán thị trường và có chính sách hỗ trợ phát triển ngành với cơ chế đặc thù theo hướng lựa chọn, ưu tiên phát triển ngành nghề truyền thống là kiến nghị mà ông Chiêu muốn đề đạt trong chủ trương chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

Bên cạnh những khó khăn khách quan từ thị trường, theo ông Chiêu, những rào cản từ các quy định phức tạp về các thủ tục, chính sách kế toán, thuế…là những nút thắt mấu chốt khiến hộ kinh doanh không dám “lên đời” thành doanh nghiệp.

Đơn cử, trong khi thủ tục kế toán rất đơn giản đối với hộ kinh doanh, khi chuyển thành doanh nghiệp, họ phải thực hiện trên 30 loại chứng từ sổ sách, đặc biệt phải thuê nhân sự kế toán.

Ngoài ra, còn phải hợp thức hóa nhiều loại giấy tờ, chứng từ, hóa đơn để chứng minh nguyên liệu đầu vào...

Bên cạnh đó, các thủ tục thuế và nộp thuế, các loại chi phí gia tăng là một nỗi lo rất lớn đối với hộ kinh doanh khi muốn chuyển quy mô thành doanh nghiệp.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bình, chủ một hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồ thờ tại Thường Tín, Hà Nội cho biết, khi trở thành doanh nghiệp, chi phí thuế rất lớn.

Theo tính toán, hiện nay, với điều kiện là hộ sản xuất, kinh doanh cá thể như của gia đình ông chỉ phải đóng mức thuế môn bài cố định chưa đến 1 triệu đồng/năm và tự chủ hộ có thể thực hiện sổ sách kế toán. Tuy nhiên, nếu trở thành doanh nghiệp, ông sẽ phải thuê thêm kế toán để thực hiện hàng loạt loại giấy tờ kế toán theo chế độ kế toán của doanh nghiệp và đóng thuế theo mức quy định cho doanh nghiệp.

Như vậy, chi phí sẽ tăng lên rất nhiều, thuế cũng tăng. Trong điều kiện hộ kinh doanh cá thể hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực, đây là những yêu cầu rất lớn và quá sức đối với các hộ kinh doanh.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó vện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thực tế này cho thấy, những ứng xử trong chính sách của nhà nước hiện nay vẫn chưa thực sự phù hợp nên chưa khuyến khích được hộ kinh doanh muốn lớn lên thành doanh nghiệp, từ đó bỏ lỡ một nguồn lực rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Ông Hiếu cho biết, mặc dù vẫn có một tỷ lệ hộ kinh doanh âm thầm chuyển đổi thành doanh nghiệp, song xu hướng này vẫn rất khiêm tốn. Trong khi đó, nếu dùng mệnh lệnh hành chính để nhanh chóng chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu số lượng có thể lại vướng vào bẫy "khoác áo chật".

“Quan trọng nhất là phải có cách ứng xử bình đẳng giữa mọi hình thức kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nhận thức được những lợi ích khi chuyển thành doanh nghiệp mà tự chuyển đổi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo đề xuất của ông Hiếu, trước hết cần ưu tiên thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện thủ tục thành lập, giải thể, quản trị doanh nghiệp dễ dàng, đơn giản hơn. Đồng thời, sửa đổi quy định về kế toán theo hướng đơn giản hóa chế độ sổ sách kế toán, chỉ duy trì 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại.

Bên cạnh đó, cần có quy định nghĩ vụ thuế phù hợp với đối tượng này về thuế môn bài, VAT, thu nhập cá nhân, hoặc thu nhập doanh nghiệp; nộp kê khai hoặc thuế khoán; thực hiện chế độ thuê, tuyển lao động đơn giản hơn.

Cùng với đó, tiến hành thường xuyên việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật, bãi bỏ các quy định cản trở để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan