Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Nhiều cán bộ hải quan bị bắt, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến đâu?

(ĐTCK) Là tư lệnh ngành đầu tiên trong số 4 bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời nhiều câu hỏi nóng của các đại biểu Quốc hội về an toàn nợ công, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, chống chuyển giá…

Ngân sách thất thu vì dân mua hàng không lấy hóa đơn

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng (Hòa Bình), thói quen mua hàng của người dân không lấy hóa đơn từ doanh nghiệp và người bán hàng (các hộ kinh doanh) đang tồn tại phổ biến, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính có giải pháp gì, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện chính sách thuế áp dụng cho hộ kinh doanh đã được quy định khá đầy đủ.

Từ năm 2015 đến nay, các quy định pháp lý đã sửa đổi cách tính thuế theo hướng đơn giản là áp dụng thuế khoán. Quy trình thực hiện cơ chế thuế khoán chặt chẽ, nhưng thực tế triển khai còn nhiều vấn đề…

Với nội dung trả lời như trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cần trả lời thẳng vào câu hỏi là việc người dân khi mua hàng không lấy hóa đơn ảnh hưởng ra sao đến thất thu ngân sách, chứ không phải nói về thuế khoán.

Sau khi được nhắc, Bộ trưởng quay lại chủ đề chính. Theo ông Dũng, người dân nước ta có 2 thói quen là mua hàng không lấy hóa đơn và sử dụng nhiều tiền mặt. Đây là những cái khó cho công tác quản lý thuế, nên thời gian tới cần phải có giải pháp.

“Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về hóa đơn điện tử, để người nộp thuế tự tính, tự nộp thuế điện tử. Phương thức nộp thuế này triển khai thí điểm ở một số địa phương và doanh nghiệp và đã mang lại kết quả tích cực. Do đó trong năm nay, Bộ sẽ trình dự thảo lên Chính phủ xem xét ban hành. Cùng với đó là tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen mua hàng không lấy hóa đơn, giảm dần sử dụng tiền mặt trong mua bán hàng hóa, dịch vụ…”, ông Dũng nói.

Nhiều cán bộ hải quan bị bắt, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

Đó là câu hỏi chất vấn mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu ra cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Ông Chiến cho rằng, tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, trong đó có trách nhiệm của cơ quan hải quan. Trong một số vụ án gần đây nhiều cán bộ hải quan bị bắt. Tình trạng này do buông lỏng quản lý hay do cán bộ suy thoái đạo đức, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Ngành tài chính đang quyết tâm chống tiêu cực. Về xử lý vi phạm của cán bộ trong ngành, trong đó có cán bộ hải quan và thuế, mỗi năm chúng tôi xử lý trên dưới 300 cán bộ vi phạm. Sai phạm xảy ra chúng tôi không đổ lỗi do khách quan. Ở đây có sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, chúng tôi kiên quyết xử lý…”.

Liên quan đến tình trạng thủ tục thông quan còn kéo dài, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn: "Tình trạng kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu vẫn tồn tại, dẫn đến làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, Bộ trưởng có giải pháp gì"?

Về xử lý vi phạm của cán bộ trong ngành, trong đó có cán bộ hải quan và thuế, mỗi năm chúng tôi xử lý trên dưới 300 cán bộ vi phạm. Sai phạm xảy ra chúng tôi không đổ lỗi do khách quan. Ở đây có sự suy thoái về phẩm chất đạo đức...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải đáp, thời gian qua thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được cải cách theo hướng giảm số lượng hàng hóa phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại bất cập như phòng kiểm nghiệm tại cửa khẩu chỉ mới dừng lại ở tư vấn, chưa đưa ra kết quả tại chỗ; nhiều mặt hàng còn phải kiểm tra chuyên ngành; một mặt hàng do 2 bộ quản lý…

Chẳng hạn, mặt hàng sữa chua, sữa bột nhập khẩu phải được cả Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép… Đây là vấn đề hệ trọng, nên các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ để tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại.

“Vấn đề hệ trọng như thế, liệu 6 tháng đầu năm 2018, ngành tài chính có thể phối hợp với các bộ ngành có liên quan khắc phục các bất cập được không…?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi.

Bộ trưởng Tài chính giải trình, tuy có 200 danh mục hàng hóa, nhưng có đến hàng trăm nghìn mặt hàng, nên để khắc phục những bất cập, vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành.

“Trên thực tế, thời gian thông quan của ngành hải quan chỉ chiếm 28% tổng thời gian thông quan, 72% còn lại thuộc các bộ, ngành. Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ có thêm 22 thủ tục hành chính được kết nối vào cổng thông tin một cửa quốc gia. Cùng với đó nhiều giải pháp nữa sẽ được triển khai để 6 tháng đầu năm 2018, sẽ tạo thêm chuyển biến tích cực trong tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa...”, Bộ trưởng cam kết.

Tin bài liên quan