Nghị định mới sẽ gỡ rối cơ chế cổ phần hóa

Nghị định mới sẽ gỡ rối cơ chế cổ phần hóa

(ĐTCK) “Để giải tỏa bất cập về cơ chế cho cổ phần hóa, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ dùng một nghị định để sửa hai nghị định, với nhiều nội dung mới. Dự kiến, văn bản này sẽ được ban hành vào tháng 1/2020”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Một vướng mắc lớn đang khiến tiến độ cổ phần hóa diễn ra rất chậm là quy định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống khi tính giá trị doanh nghiệp, vậy Bộ Tài chính đề xuất khắc phục bất cập này theo hướng nào?

Thực tế áp dụng quy định đối với một số doanh nghiệp đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có), tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần cho thấy, căn cứ xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống chưa thực sự rõ ràng.

Điều này gây lúng túng cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Để khắc phục tình trạng này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, vừa được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến rộng rãi, Bộ đề xuất bãi bỏ quy định bất hợp lý trên.

Mặt khác, Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước ngày Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực, khi thực hiện khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm của công ty cổ phần mà có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xử lý…

Qua rà soát, việc thực hiện khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm có vướng mắc do quy định tại Luật Đất đai không có hình thức “khấu trừ vào tiền thuê đất”, chỉ có quy định “miễn, giảm tiền thuê đất” theo lĩnh vực và địa bàn. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước thời điểm Nghị định 126/2017 có hiệu lực (ngày 1/1/2018) mà đã tính toán, việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh vào giá trị doanh nghiệp sẽ xử lý thế nào?

Với trường hợp này, công ty cổ phần tiếp tục phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm kể từ ngày Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực.

Vướng mắc lớn nữa của các doanh nghiệp là xử lý các vấn đề về định giá đất cũng như phê duyệt phương án sử dụng đất hậu cổ phần hóa. Phản ánh của các địa phương cho thấy, quy định trong thời hạn 30 ngày, các địa phương phải có ý kiến về giá đất cụ thể để làm căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp là ngắn, không khả thi. Dự thảo Nghị định có tính đến vấn đề này hay không?

ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

Phản ánh đó là có cơ sở, nên chúng tôi đã nghiên cứu và cụ thể hóa vào nhiều điểm mới tại dự thảo Nghị định.

Cụ thể, để khắc phục bất cập về xử lý các quy định về đất đai, trong lần sửa đổi cơ chế này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nhiều quy định mới.

Theo đó, bổ sung điều kiện doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện cổ phần hóa khi đã hoàn thành việc sắp xếp, xử lý nhà đất.

Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt theo quy định, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Phương án này phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Trường hợp đề xuất sử dụng đất của doanh nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, không phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp và khác với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được phê duyệt, doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.

Giá trị còn lại của tài sản trên diện tích đất phải trả lại cho Nhà nước (nếu có), doanh nghiệp cổ phần hóa bàn giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý; đồng thời, hạch toán giảm tài sản, giảm vốn nhà nước theo giá trị còn lại của tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản gửi lấy ý kiến của địa phương về toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa, bao gồm ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và mục đích sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hình thức sử dụng đất và giá đất cụ thể tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp...

Trong thời hạn 60 ngày làm việc, thay vì 30 ngày theo quy định hiện hành kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Nới thời gian để cho ý kiến về giá đất lên gấp đôi như vậy, nhưng nếu quá thời hạn này mà UBND cấp tỉnh không có ý kiến về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa thì sao? Bộ Tài chính có đề xuất truy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ này không?

Trường hợp quá thời hạn 60 ngày làm việc mà UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có ý kiến, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian công bố giá trị doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, khẩn trương có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kéo dài thời gian công bố giá trị doanh nghiệp.

Căn cứ ý kiến của các địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp...

Năng lực của tổ chức tư vấn yếu kém, trong khi các quy định về tiêu chuẩn lựa chọn các đơn vị này chưa rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thời gian qua bị nghi ngờ là không đáng tin cậy, thậm chí có lợi ích nhóm chi phối. Ông cho biết quan điểm của Bộ Tài chính về cách thức xử lý vấn đề này như thế nào?

Để nâng cao chất lượng xác định giá trị doanh nghiệp, cũng như quản lý chặt khâu xác định giá trị doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá.

Các công ty này phải đáp ứng tiêu chí: có uy tín, năng lực, thương hiệu và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm (60 tháng hoạt động liên tục tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp) về một trong các lĩnh vực thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Trong thời gian 3 năm gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, mỗi năm, tổ chức phải thực hiện được ít nhất 30 hợp đồng cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực nói trên…

Theo Bộ Tài chính, trong số 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn 991//2017TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg. Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. 

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 gồm TP. Hà Nội: 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty); TP.HCM: 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương: 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty)…

Tin bài liên quan