Nghệ thuật thời điểm

(ĐTCK) Bài toán kép về kích cầu và chống lạm phát, lo ngại về tăng trưởng nợ xấu khi thị trường không thuận lợi cùng kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn kích cầu… đang khiến môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm 2009 tiếp tục thiếu thông tin hỗ trợ tốt. Thậm chí, ông Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam còn lo ngại về một kịch bản xấu là tái lạm phát và doanh nghiệp sẽ lại ngồi im chờ bàn tay hỗ trợ của Nhà nước.

Tất nhiên, điều này khó xảy ra vì theo ông Tiền, yếu tố chủ động của Nhà nước để tránh kịch bản xấu chiếm phần quyết định. Song, điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang kỳ vọng về những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cụ thể, chuẩn tắc và thận trọng hơn. Điều đáng nói là các chính sách này sẽ quyết định rất lớn tới kế hoạch hành động tiếp theo của doanh nghiệp.

Cho tới thời điểm này, những tín hiệu thị trường lại khá trái ngược trong các dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới 6 tháng cuối năm. Những tín hiệu trong nước tốt dần lên, trong khi các thị trường lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, EU, vẫn là điểm trũng suy thoái của thế giới. Dấu hiệu phục hồi của các thị trường này rất yếu ớt kèm theo những hàng rào kỹ thuật mới bảo vệ thị trường trong nước càng làm khó cho kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam .

Trong khi đó, kịch bản của kinh tế vĩ mô năm 2007, thời điểm trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, lại được nhắc tới với khá nhiều điểm tương đồng. Đó là xu hướng cung ứng tiền tệ tăng, giá cả bắt đầu leo thang, tình hình các thị trường lớn biến động mạnh…

Tuy nhiên, phân tích vấn đề này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điểm khác biệt là rất lớn, nên mức độ rủi ro cũng cần được nhìn nhận khác. “Nếu như vào năm 2007, thị trường thế giới đang trong giai đoạn thừa thanh khoản thì vào thời điểm này, suy thoái kinh tế vẫn lan rộng. Như vậy, khả năng huy động nguồn lực từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam cũng như khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Đây là điểm trái ngược với năm 2007. Hơn thế, giá cả thế giới có tăng, nhưng rất khó tăng mạnh. Kịch bản cũ sẽ khó lặp lại”, ông Thành nhận định.

Tuy vậy, rủi ro tín dụng vẫn được cho là rất lớn, ngay cả khi chính sách tiền tệ đang được điều hành thận trọng. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến cho năm 2009 là dưới 30% cũng được ông Thành đề nghị cân nhắc cẩn trọng hơn. “Là một quốc gia xuất khẩu chiếm 70% GDP, đầu tư chiếm trên 40% GDP, tiết kiệm trong nước khoảng 30%, có thể nói một cách hình ảnh là một nửa biến động của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài. Như vậy, vào lúc này, 50% chủ động của Việt Nam có thể là điều kiện hỗ trợ cho sự tăng trưởng, hoặc cũng có thể tạo tình huống xấu hơn”, ông Thành nói.

Giải pháp được đề xuất trong phần chủ động này là xem xét, đánh giá lại các chính sách điều hành kinh tế hiện tại, cân nhắc thêm thông tin để điều chỉnh hợp lý, kịp thời. “Mục tiêu các chính sách này, theo tôi, nên hướng vào ổn định xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, chống sốc cho doanh nghiệp và có thể đạt mức tăng trưởng nào đó phù hợp”, ông Thành nói và cho rằng, sự cân nhắc và thận trọng trong chính sách điều hành kinh tế vào thời điểm này thực sự là một nghệ thuật. Nghệ thuật này cũng phải được doanh nghiệp chung tay hỗ trợ và nối dài tác động tích cực.

Ở đây, bàn tay kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp được nhắc tới ở khía cạnh thị trường tiêu thụ, ở thực tế tăng chi giảm thu, ở lo ngại về gia tăng nợ xấu vào cuối năm nay trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

“Doanh nghiệp không thể nằm ngoài kế hoạch tái cơ cấu, nếu như không nói là một phần của hoạt động này. Về phía doanh nghiệp, giải pháp tương ứng sẽ phải là tái cấu trúc, tăng cổ phần hoá nhằm đảm bảo đa dạng hoá đầu tư, tăng sự phối hợp các nguồn lực, giảm thiểu rủi ro dồn vào một số nguồn lực nào đó”, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đề xuất. Ông Phong cũng nhắc tới giải pháp gia tăng hoạt động mua bán nợ để giảm thiểu và chấp dứt tình trạng hỗ trợ phi thị trường. “Ngay việc triển khai hoạt động của gói kích cầu bằng nguồn vốn nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Hiện tại, yếu tố xin - cho vẫn khá nặng nề trong hoạt động này”, ông Phong đề nghị.