Đoạn đầu tiên của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã sẵn sàng cho việc khai thác trong ít ngày tới

Đoạn đầu tiên của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã sẵn sàng cho việc khai thác trong ít ngày tới

Ngày 22/5, thông xe 22,7 km đoạn đầu tiên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Dự án xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ thông xe đoạn đầu tiên dài 22,7 km quy mô 6 làn xe vào ngày 22/5.

Theo đó, Vidifi đề nghị đưa vào khai thác đoạn tuyến dài 22,7 km từ nút giao với Quốc lộ 10 (Km74) đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng, Tp Hải Phòng (Km96+700) bắt đầu từ 7h ngày 27/5.

Vidifi cho biết là toàn bộ công tác phục vụ thông xe đoạn tuyến cao tốc 6 làn xe này đã cơ bản hoàn thành. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng đã có ý kiến chấp thuận việc đưa vào khai thác đoạn đường cao tốc qua địa phận Tp. Hải Phòng và sẽ bố trí đi kiểm tra công trình trước ngày thông xe.

Như vậy, sau đúng 7 năm thi công, Vidifi sắp được hưởng những thành quả đầu tiên. Đây là công trình nhận được sự kỳ vọng lớn của Chính phủ và các nhà đầu tư, bởi khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian lưu thông (tính cho xe con) giữa các tỉnh phía Bắc (Hà Nội đi Hải Phòng - Cảng Đình Vũ từ 2 giờ xuống 53 phút; Hà Nội đi Hạ Long từ 3,5 giờ xuống 1 giờ 10 phút), góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển.

Khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các phương tiện được chạy với tốc độ tối đa là 120km/h và tốc độ tối thiểu là 60km/h. Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện tối thiểu là: 90m tương ứng với tốc độ từ 100km/h - 120km/h; 70m tương ứng với tốc độ từ 80km/h - 100km/h; 50m tương ứng với tốc độ từ 60km/h - 80km/h. 

Mức cước thu phí trong giai đoạn khai thác từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng và ngược lại (Km 74+000 đến Km 96+700) là 1.500 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn. Các phương tiện thanh toán cước phí tại trạm thu phí Km 95+800 (thuộc địa phận phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng). Hình thức thu phí áp dụng là thu phí lượt.

Theo Vidifi, khi đưa đoạn từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng thành phố Hải Phòng vào khai thác, đơn vị tổ chức khai thác sẽ phối hợp cùng Cục cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an, và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra tải trọng xe và tốc độ của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc bằng các trạm cân tải trọng lưu động được bố trí trên đoạn tuyến để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, đồng thời ngăn chặn hiện tượng phương tiện chạy quá tốc độ và né tránh trạm cân tải trọng.

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là Dự án giao thông trọng điểm quốc gia, được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, không được đầu tư bằng vốn Ngân sách nhà nước cấp như các Dự án hạ tầng giao thông khác. Tổng mức đầu tư của dự án là 45.487 tỷ đồng.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc quốc tế loại A với chiều dài 105,5km, với 6 làn đường xe chạy và 2 làn đường dừng khẩn cấp. Trên tuyến có 7 nút giao liên thông khác mức tại các điểm giao cắt với các quốc lộ; có 17 cầu lớn, 24 cầu trung, 22 cầu vượt và cầu nút giao (tổng chiều dài cầu khoảng 14km). Dự án sử dụng thảm Asphalt Polymer và lớp tạo nhám trên mặt để đảm bảo an toàn cho xe chạy với tốc độ 120km/h. Đây là công nghệ mới được áp dụng trên toàn tuyến cao tốc.

Điểm đầu của tuyến đường nằm trên đường vành đai III  Hà Nội, cách mố Bắc Cầu Thanh Trì 1025m  về  phía Bắc Ninh; điểm cuối là đập Đình Vũ thuộc Quận Hải An, TP Hải Phòng. Chiều rộng mặt cắt ngang bình quân là 100m. Khi hoàn thành toàn tuyến, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín; các công trình an toàn giao thông được thiết kế, lắp đặt hoàn chỉnh, hiện đại và các khu dịch vụ tại các nút giao và những vị trí phù hợp.

Tin bài liên quan