Trong 6 lần tổ chức trước, Vietship đã thu hút đông đảo doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham dự

Trong 6 lần tổ chức trước, Vietship đã thu hút đông đảo doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham dự

Ngành đóng tàu đón cú hích từ Vietship 2014

Trong bối cảnh ngành hàng hải thế giới vẫn đang chìm trong “giấc ngủ đông”, Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về công nghệ đóng tàu, hàng hải và vận tải 2014(Vietship 2014) được kỳ vọng sẽ mang cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp vận tải biển và đóng tàu.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) nhận định, kỳ vọng của các đơn vị chuyên ngành về Vietship 2014 là rất lớn, bởi Triển lãm có quy mô hơn 200 gian hàng (với trên 10.000 m2 trưng bày) của 115 doanh nghiệp, trong đó gần một nửa là các công ty, tập đoàn nước ngoài đến từ những quốc gia có nền công nghiệp tàu thuỷ phát triển hàng đầu thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Na Uy, Singapore, Nga, Tây Ban Nha…

Cần phải nói thêm rằng, 12 năm qua, Vietship do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là SBIC), Công ty Quảng cáo và Hội chợ triển lãm C.I.S Việt Nam phối hợp tổ chức không chỉ là sự kiện tâm điểm của ngành đóng tàu Việt Nam, mà còn trở thành một hoạt động chính thức trong chuỗi sự kiện hàng hải quốc tế.

Diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động trực tiếp và nặng nề tới ngành đóng tàu, vận tải và hàng hải thế giới, trong đó có Việt Nam, Vietship 2014 vẫn thu hút được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu và hàng hải nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đại diện SBIC cho biết, trong số các doanh nghiệp đến chào hàng tại Triển lãm có 51 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hà Lan, Đức,  Nga, Pháp, Ba Lan, Na Uy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Riêng các doanh nghiệp đến từ Hà Lan,  Liên bang Nga, Trung Quốc sẽ đăng ký tham gia gian hàng chung theo quốc gia. Còn lại là 64 doanh nghiệp trong nước (chiếm 55%).

Theo ông Vũ Anh Tuấn, có hai nhóm sản phẩm mà thông qua Vietship 2014, SBIC sẽ giới thiệu cho đối tác và mong muốn ký được hợp đồng.

Nhóm thứ nhất là nhóm sản phẩm mang tính tương lai, gồm những sản phẩm có tính năng kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng các quy chuẩn phân cấp tàu biển theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là những sản phẩm công nghệ cao mà SBIC có ưu thế. Nhóm thứ hai gồm một số sản phẩm đang được sản xuất dở dang (dưới thời Vinashin) tại các nhà máy đóng tàu.

“Chúng tôi hy vọng, sẽ nhận được sự quan tâm từ các chủ tàu, có giải pháp hoàn thiện để đưa vào khai thác. Điều này sẽ giúp họ phát triển đội tàu, còn SBIC sẽ giải quyết được hàng ứ đọng”, ông Tuấn cho biết.

Trước đó, tại Vietship 2012, SBIC (khi đó còn là Vinashin) đã ký với các đối tác hợp đồng có tổng doanh thu 100 triệu USD và đến hết năm 2013 đã bàn giao được 75% sản lượng. 25% còn lại sẽ được SBIC tiếp tục bàn giao nốt trong năm 2014.

Không chỉ dừng ở việc trưng bày sản phẩm, trình diễn công nghệ, Vietship 2014 dự kiến sẽ chứng kiến nhiều thỏa thuận hợp tác, ký kết hợp đồng giữa các đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật nhất là việc khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam và Nga trong lĩnh vực đóng tàu khách cao tốc.

Trong khuôn khổ Vietship 2014,  các hội thảo chuyên ngành đóng tàu và hàng hải dự kiến sẽ được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các hiệp hội cũng như các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Được biết, tại Vietship 2014, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phát đi lời kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân trên thế giới, tham gia vào chương trình tái cơ cấu ngành đóng tàu để cùng xây dựng ngành đóng tàu và hàng hải Việt Nam ngày càng phát triển mạnh hơn.

"Với sự nỗ lực của các quốc gia, nền kinh tế thế giới sẽ tìm thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn sau giai đoạn khó khăn này. Tôi tin rằng, Vietship 2014 là dịp tốt để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội phát triển", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan