Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa còn nhiều lỗ hổng

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa nhiều khả năng sẽ gia tăng cùng với tiến tình hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn chống được gian lận xuất xứ, “đột lốt” hàng Việt, cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

Thưa ông, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm trục lợi khi xuất khẩu và đánh lừa người tiêu dùng trong nước đã xảy ra từ rất lâu, nhưng dường như các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý chưa đồng bộ?

Hành vi gian lận này đã xuất hiện từ lâu và ngày càng tăng do Việt Nam đang ở giai đoạn cuối cùng thực thi lộ trình các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ cũ và bắt đầu thực hiện các FTA thế hệ mới. Gần đây, tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ “made in Vietnam” đã trở nên báo động khi cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế ngày một “leo thang”, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung.

Để ngăn chặn tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Quyết định 824/QĐ-TTg, ngày 4/7/2019) và Bộ Công thương đang gấp rút hoàn thiện thông tư về tiêu chí dán mác "made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.

Về cơ sở luật pháp để chống lại tình trạng giả mạo, gian lận xuất xứ hàng hóa, hiện đã có Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xử phạt vi phạm hành chính… và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, những quy định hiện tại là chưa đủ, không cụ thể, thậm chí nhiều quy định còn thiếu rõ ràng, nên bị một số doanh nghiệp lợi dụng.

Theo ông, những quy định nào còn thiếu rõ ràng?

Cụ thể, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông ở thị trường nội địa và hàng hóa nhập khẩu, nhưng không điều chỉnh hoạt động ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu, nên doanh nghiệp xuất khẩu không phải thực hiện các quy định về dán nhãn hàng hóa.

Đặc biệt, quy định của nghị định này về việc hàng hóa nhập khẩu mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, thì phải có nhãn phụ, đang bị doanh nghiệp lợi dụng bằng cách ghi thông tin sai lệch, ghi thông không đúng với thông tin đã khai báo  hải quan, ghi nhãn phụ lấn án nhãn chính, thậm chí dán đè lên nhãn chính để lừa dối người tiêu dùng.

Trường hợp khác, Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định.

Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh bằng công nghệ “tuốc-nơ-vít” và gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gian lận khi xuất khẩu.

Các hành vi gian lận xuất xứ được coi là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn lậu. Khi chứng minh được tổ chức, cá nhân vi phạm thì có thể mạnh tay xử lý?

Với những quy định chưa rõ ràng, không cụ thể, việc chứng minh tổ chức, cá nhân vi phạm cũng không hề dễ. Trong khi đó, với trường hợp chứng minh được vi phạm, thì mức xử phạt vi phạm như hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Cụ thể, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa như hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính cao nhất là 20 - 30 triệu đồng.

Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa cũng chỉ bị phạt tiền 35 - 45 triệu đồng.

Với mức xử phạt như vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm, khiến nguy cơ bị thị trường nhập khẩu điều tra nguồn gốc xuất xứ để đưa ra các giải pháp phòng vệ thương mại gia tăng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất trong nước.

Thưa ông, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả?

Việc xác định hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ rất phức tạp, nên việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay khởi tố hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng hóa không hề đơn giản.

Việc điều tra, khởi tố, truy tố đối với hành vi giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng hóa phải hết sức thận trọng, vì không chỉ xử lý hình sự với một cá nhân hay nhóm cá nhân vi phạm, mà ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp.

Quan điểm của tôi là không hình sự hóa các vụ việc kinh tế, nhưng cũng không hành chính hóa các vụ án hình sự. Vì vậy, khi phát hiện chắc chắn hành vi giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, thì phải có chế tài xử lý thật nghiêm khắc, cả kinh tế lẫn hình sự, mới có tác dụng răn đe. Bên cạnh đó, phải sớm sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa, dán nhãn hàng hóa, sở hữu công nghiệp không phù hợp, dễ bị lợi dụng, mới có thể đẩy lùi được tình trạng gian lận này.

Tin bài liên quan