Nên coi hộ kinh doanh như công ty trách nhiệm hữu hạn

Có nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu coi hộ kinh doanh như công ty TNHH thì chắc sẽ nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội khi biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020.

Theo ông, vì sao còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả hộ kinh doanh?

Nên coi hộ kinh doanh như công ty trách nhiệm hữu hạn ảnh 1

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến không đồng tình đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cho rằng, hiện tại cả nước có khoảng 4,7 - 4,8 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định (hộ kinh doanh) đang hoạt động bình thường theo điều chỉnh của Nghị định 78/2015/NĐ-CP, nên không cần đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

Thậm chí, có người lo ngại, nếu Luật Doanh nghiệp điều chỉnh hộ kinh doanh sẽ khiến kinh tế hộ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì hộ kinh doanh sẽ bị quản lý chặt chẽ như doanh nghiệp, trong khi tuyệt đại đa số đối tượng này kinh doanh nhỏ lẻ.

Ngược lại, những người ủng hộ cho rằng, hiện có khoảng 1,6 triệu hộ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD), đang thực hiện các nghĩa vụ như doanh nghiệp, nhưng họ lại không được hưởng quyền lợi gì, vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào.

Dù không được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ như doanh nghiệp, nhưng nhiều hộ kinh doanh cũng không muốn được quản lý như doanh nghiệp, thưa ông?

Hộ kinh doanh đang sử dụng khoảng 7,6 triệu lao động, có tổng doanh thu tương đương 13,3% doanh thu của khu vực doanh nghiệp. Trong khi khu vực doanh nghiệp được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thì hộ kinh doanh không được gì, vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào. Đây là sự không công bằng, không đúng với quan điểm là mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật cả về quyền lợi lẫn nghĩa vụ.

Hơn nữa, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không chỉ có căn cứ pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ thành phần kinh tế này phát triển, mà còn bảo vệ hộ kinh doanh, bảo vệ người lao động.

Thưa ông, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển bằng cách nào trong trường hợp Luật Doanh nghiệp điều chỉnh cả khu vực kinh tế này?

Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh tại một địa điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động… Hạn chế này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh.

Điều chỉnh phạm vi hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp nhằm xác định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của hộ kinh doanh, chủ hộ và các thành viên gia đình tham gia thành lập hộ kinh doanh. Pháp luật thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh với vai trò và vị trí quan trọng; phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện cho gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống.

Tất nhiên, để phát triển hộ kinh doanh, còn phải hoàn thiện, đồng bộ nhiều quy định pháp luật khác nhau, chứ không thể chỉ riêng bằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Ông nói, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp còn nhằm bảo vệ hộ kinh doanh. Bảo vệ bằng cách nào?

Hiện tại, theo Bộ luật Dân sự, hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn trước hoạt động kinh doanh của mình, nên khi kinh doanh thua lỗ, dẫn tới phá sản, thì phải bán tất cả tài sản, nhà cửa, đất đai để trả nợ. Hậu quả là, không chỉ chủ hộ kinh doanh bị khuynh gia bại sản, mà các thành viên trong gia đình cũng chịu hậu quả, vì mất nhà cửa. Nhưng nếu đưa hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, thì nếu phá sản, giải thể, họ chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động kinh doanh theo mức vốn đã đăng ký. Như vậy, sau khi giải thể, phá sản, hộ kinh doanh vẫn còn tài sản, còn cơ hội để tiếp tục kinh doanh.

Nếu Quốc hội đồng ý điều chỉnh hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, thì mô hình hộ kinh doanh được thiết kế như công ty TNHH, thay vì tương tự như doanh nghiệp tư nhân.

Hiện chỉ có 30% số hộ kinh doanh có địa điểm hoạt động ổn định được cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Điều chỉnh hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, nhưng nếu hộ kinh doanh vẫn không đề nghị cấp giấy chứng nhận ĐKKD thì làm sao quản lý được?

Tôi lấy ví dụ, muốn được tác nghiệp ở các hội nghị, nghị trường Quốc hội, phóng viên phải ăn mặc lịch sự, phải có thẻ sự kiện; nếu không chấp hành thì không được tác nghiệp, nên bị giảm cơ hội làm việc, giảm thu nhập. Như vậy, mỗi phóng viên sẽ biết và lựa chọn có chấp hành quy định hay không.

Tương tự, nếu hộ kinh doanh có địa điểm hoạt động ổn định mà không đề nghị cấp ĐKKD, thì sẽ bị hạn chế mở chi nhánh, văn phòng đại diện, sử dụng lao động, địa bàn kinh doanh ngoài khu vực cấp huyện… Như vậy, hộ kinh doanh sẽ biết có nên đề nghị cấp giấy chứng nhận ĐKKD hay không.

Với những hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ như mở cửa hàng tạp hóa, bán thức ăn nhanh buổi sáng, sửa chữa xe máy, cắt tóc, gội đầu… không có nhu cầu mở rộng hoạt động, thì không cần giấy chứng nhận ĐKKD. Nhưng khi có doanh thu đến ngưỡng nào đó, như 100 triệu đồng/năm thì bắt buộc phải có giấy phép ĐKKD, có doanh thu 3 tỷ đồng/năm thì bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Tin bài liên quan