Năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”

Thông điệp quan trọng mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại Hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia" ngày 7/8 đó là, tăng năng suất lao động là một giải pháp mang tính “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Báo Đầu tư Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Kính thưa Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Kính thưa Ngài Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ!

Kính thưa các quý vị đại biểu đại diện cho các Đại sứ quán, các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội trong nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các nhà kinh tế!

Kính thưa các vị khách quý và toàn thể quý vị đại biểu,

Trải qua chặng đường 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu quan trọng, đất nước đã thay da, đổi thịt, phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới, sánh ngang với nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, chúng ta đang ở thời khắc chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu xây dựng một quốc gia cường thịnh.

Trên chặng đường phát triển đó, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải tập trung giải quyết những tồn tại, điểm nghẽn cố hữu của nền kinh tế, vừa phải ứng phó với những vấn đề phát sinh của thời đại. Mặc dù vậy, chúng ta đều đã ý thức rõ được điều đó và xây dựng được quyết tâm mãnh liệt, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, đưa đất nước ngày càng phát triển, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tại thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cấp, các ngành, các cơ quan tập trung nghiên cứu những vấn đề lớn, định hướng lớn, giải pháp trọng yếu để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao. Trong rất nhiều các giải pháp đề ra, tăng năng suất lao động là một giải pháp mang tính “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân” ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia"

Thưa quý vị đại biểu,

Ngay từ khi bắt tay vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận định nước ta là một nước nghèo và kém phát triển, nền kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động thấp.Để cải thiện tình trạng năng suất lao động thấp, tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng đã khởi xướng chính sách trả công lao động theo năng suất lao động nhằm khuyến khích sự vươn lên, tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất của các thành phần kinh tế.

Kể từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế đã triển khai rất nhiều giải pháp, từ vĩ mô đến vi mô, nhằm không ngừng cải thiện năng suất lao động trong từng ngành, lĩnh vực, từng tổ chức kinh tế, góp phần quan trọng trong việc gia tăng tốc độ và giá trị năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế. Nghị quyết số 05-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định cải thiện và nâng cao năng suất lao động quốc gia là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của cả hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng. Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp; nhiều thể chế, pháp luật, chính sách được ban hành nhằm nâng cao năng suất lao động.

Nhờ vậy, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước, theo đó, hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Một lần nữa, bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang dự kiến đặt mục tiêu phát triển cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

Nhìn lại thực trạng năng suất lao động nước ta trong thời gian qua, qua đúc kết kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, có thể thấy nổi lên 04 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động:

Một là, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã thu được một số kết quả, nhưng dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. Ví dụ như ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, nhưng lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội. Ngoài ra, những hạn chế về hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động trong ngành nông nghiệp, bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất, hiệu quả sử dụng đất thấp... cũng trở thành điểm nghẽn đối với việc gia tăng năng suất lao động của khu vực nông nghiệp.

Hai là, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Cụ thể là xếp hạng các chỉ số của nước ta so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82, trong đó hợp tác đa bên trong đổi mới sáng tạo đứng thứ 92, số bằng phát minh, sáng chế đứng thứ 89, tăng trưởng của các công ty đổi mới sáng tạo đứng thứ 90...

Ba là, đất nước ta đã trải qua thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Bốn là, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp, doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Thưa quý vị đại biểu,

Nhận diện được các yếu tố, nguyên nhân tác động đến năng suất lao động là căn cứ quan trọng để xác định những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động trong thời gian tới. Trong đó, chúng ta cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ tương hỗ giữa năng suất lao động và tăng trưởng GDP, năng suất cao thì tăng trưởng GDP cao và ngược lại, tăng trưởng GDP cao thì năng suất lao động sẽ cao. Với năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”. Tăng năng suất lao động phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Trong hội nghị ngày hôm nay, tôi đề nghị chúng ta thảo luận tập trung vào các giải pháp, cả trong ngắn hạn và dài hạn, giải pháp tổng thể, đồng bộ cả ở cấp vĩ mô và vi mô, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và cá nhân người lao động trong việc tăng năng suất lao động. Cụ thể là:

Cần có sự vào cuộc và nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị, huy động tổng lực các cơ quan trung ương thuộc các ngành, lĩnh vực, các ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng và thực thi quyết liệt các giải pháp tăng năng suất lao động, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tập trung các giải pháp ở tầm vĩ mô, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức, có tay nghề, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý công nghệ, quản trị doanh nghiệp... Trong đó, mục tiêu chủ yếu của các thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách vĩ mô, ngành, lĩnh vực phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng tác động chủ yếu của chính sách.

Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó, hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động.

Khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự chủ động trong các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; sử dụng sức lao động hiệu quả chính là một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian, loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối với người lao động, cần tăng cường trau dồi kiến thức, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cần cù, chịu khó trong công việc, vừa khẳng định được năng lực cá nhân, tăng năng suất, tăng thu nhập vừa khẳng định được giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Thưa quý vị đại biểu,

Xác định năm 2019 là năm “bứt phá” có ý nghĩa quyết định hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, trong đó có giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành công các hội nghị phát triển vùng, tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ đề án về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trong đó sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hôm nay, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” tại Hà Nội nhằm trao đổi, thảo luận những nội dung về thực trạng năng suất lao động của Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam để từ đó xác định các giải pháp cải thiện năng suất lao động quốc gia.

Hội nghị sẽ nghe Báo cáo “Năng suất lao động và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp tăng năng suất lao động” của Bộ Khoa học và Công nghệ; Báo cáo “Mô hình kinh tế mới và tác động đến năng suất lao động” của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, phát biểu của Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và các tham luận của Trường Đại học Anh Quốc - Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.

Để Hội nghị đạt kết quả thiết thực, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị Lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, các doanh nghiệp, các chuyên gia và toàn thể các quý vị dự Hội nghị hôm nay thẳng thắn đánh giá 3 nội dung đã đề cập ở trên, trong đó tập trung vào đánh giá các nhân tố tác động và đề xuất giải pháp tăng năng suất lao động quốc gia báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 và những năm tiếp theo.

Với chủ đề của Hội nghị mang nhiều ý nghĩa quan trọng ngày hôm nay, tôi xin khai mạc Hội nghị và tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của tất cả các quý vị khách mời có mặt ở đây, công cuộc cải thiện và không ngừng đẩy mạnh năng suất lao động quốc gia của chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành tựu.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kính chúc Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và toàn thể quý vị đại biểu sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

(Tiêu đề do Tòa soạn đặt)
Tin bài liên quan