Mỹ mà không phê chuẩn TPP thì Hiệp định cũng không có hiệu lực

Mỹ mà không phê chuẩn TPP thì Hiệp định cũng không có hiệu lực

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Nhóm Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Công thương đồng tổ chức sáng nay (15/6) tại Hà Nội .

Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương xuyên suốt và nhất quán trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Với việc hình thành kinh tế ASEN và ký 13 Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, các nước trong G7, 15 trên 20 nước trong G20 với quy mô 2/3 dân số, 3/4 GDP toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội lớn đặc biệt trong đầu tư, thương mại.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đã chia sẻ trước Hội thảo về cuộc trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trước khi khai mạc cuộc họp, đó là, các Hiệp định thương mại tự do mở ra con đường lớn, đại lộ thênh thang nhưng vấn đề là chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường rộng lớn đảm bảo an toàn và đi đến đích… Đòi hỏi phải chuẩn bị với tâm thế vững chắc mới hội nhập.

“Phiên họp tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã rà soát tất cả hệ thống pháp luật, thông qua những sửa đổi bổ sung, ban hành mới bộ luật, thể chế chính sách để đáp ứng nhu cầu hội nhập và thành công… Đồng thời, Chính phủ đang triển khai rất quyết liệt với những cam kết về đổi mới, hoàn thiện chính sách, thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… với mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ GDP rất lớn trong số 12 nước, do đó, nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn trong khi các nước còn lại phê chuẩn thì Hiệp định TPP cũng sẽ không có hiệu lực.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Nhóm WB nhận định, Việt Nam là một trong số 12 nền kinh tế trong Vành đai Thái Bình Dương vừa đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại toàn diện nhất từng có trong 2 thập kỷ qua - Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chiếm tỷ trọng 40% GDP và 30% tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa toàn cầu, TPP đã thực sự là Hiệp định tham vọng nhất và toàn diện nhất từng hoàn tất từ trước đến nay. 

Gần đây, Việt Nam cũng đã đàm phán xong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn, đó là khai thác tối đa lợi ích do các hiệp định thương mại tự do này mang lại về mặt tiếp cận thị trường rộng lớn và quan trọng hơn là xét về mặt thúc đẩy cải cách trong nước…

“Tuy nhiên, các hiệp định này cũng đi kèm một số thách thức đáng kể và nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ…”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công thương, ông Khánh tiếp tục nhắc lại thông tin đã từng chia sẻ, cả hai Hiệp định chưa có hiệu lực, cơ hội và thách thức chỉ đến khi Hiệp định có hiệu lực.

Về quy định phê chuẩn của TPP, ông Khánh cho biết, TPP có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau ngày tất cả các nước thông báo với New Zealand (nước lưu chiểu văn bản) về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước về phê chuẩn Hiệp định. Trường hợp không đủ toàn bộ các nước hoàn thành thủ tục pháp lý trong vòng 2 năm kể từ ngày ký, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi hết thời hạn 2 năm nếu có ít nhất 6 nước với ít nhất 85% tổng sản phẩm quốc nội cộng gộp (theo giá trị năm 2013) hoàn thành các thủ tục pháp lý trong thời gian này.

“Hoa kỳ chiếm tỷ lệ GDP rất lớn trong số 12 nước, do đó, nếu như Hoa kỳ không phê chuẩn thì dù các nước còn lại phê chuẩn thì Hiệp định này cũng sẽ không có hiệu lực”, ông Khánh nhấn mạnh.

Đối với Quy định về phê chuẩn và tình hình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ông Khánh cho biết, tháng 11/2015, Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán, hiện nay, hai bên đã công bố lời văn và đang tiến hành rà soát pháp lý Hiệp định. Sau khi quá trình rà soát kết thúc, hai bên sẽ tiến hành ký kết, dự kiến trong năm 2016. Sau khi ký kết, hai bên sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định của mỗi bên.

“Khi hai Hiệp định chính thức có hiệu lực, hai việc quan trọng chính phải làm: thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật; thứ hai, xây dựng chương trình hành động để nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức”, ông Khánh nêu quan điểm.

Bà Mona Haddad, Giám đốc khu vực Khối thương mại và cạnh tranh WB cho rằng, ký kết TPP và EVFTA không phải đích đến cuối cùng mà là công cụ, phương tiện, động cơ thúc đẩy cải cách của Chính phủ Việt Nam đến năm 2035.

Tin bài liên quan