Covid-19 quay trở lại khiến các sân bay không còn cảnh tấp nập, Việt Nam lại bước vào một “cuộc chiến” mới để đẩy lùi dịch bệnh.

Covid-19 quay trở lại khiến các sân bay không còn cảnh tấp nập, Việt Nam lại bước vào một “cuộc chiến” mới để đẩy lùi dịch bệnh.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 5: Không để ai bị bỏ lại phía sau

0:00 / 0:00
0:00
Khi Covid-19 thách thức sức chịu đựng của nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “mọi chỉ đạo điều hành của Chính phủ đều phải hướng tới lòng dân" để không ai bị bỏ lại phía sau.

Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng. Hàng trăm triệu người mất việc. Việt Nam cũng chịu tổn thương từ cơn sóng dữ quái ác. Hàng triệu lao động không có việc làm. Tuy nhiên, họ không cam chịu buông tay, phó mặc số phận. Cuộc chiến tìm phao cứu sinh vẫn tiếp diễn.

Bài 5: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Không ai muốn ở lại phía sau, và sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ, từng doanh nghiệp, từng người dân đều rất nỗ lực vì điều này.

Mong mỏi phao cứu sinh

Sau 99 ngày “vắng bóng”, Covid-19 quay trở lại và bùng phát tại Đà Nẵng với diễn biến khó lường. Đà Nẵng buộc phải thực hiện giãn cách xã hội.

Vậy là, khi các doanh nghiệp du lịch vừa mới kịp trở mình, khấp khởi với kế hoạch bật dậy thông qua các chương trình ưu đãi, kích cầu... thì hình ảnh những bãi biển đông đúc, những đoàn người xếp hàng dài tại sân bay chỉ sau một đêm đã lại trở thành dĩ vãng.

Chuông reo liên tục, từ máy bàn đến đường dây nóng cầm tay. Khách du lịch đồng loạt huỷ tour, đòi hoàn tiền… Các đơn vị du lịch bỗng chốc phải chật vật xoay xở, đàm phán với đối tác, tìm phương án ứng phó với bao khó khăn mới.

Việt Nam đã rất thành công trong đợt đầu chống dịch và trở thành điểm sáng của thế giới. Kể từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1, tất cả các ổ dịch sau đó đều đã được khống chế, đa số bệnh nhân được chữa khỏi. Cùng với việc cách ly và kiểm dịch hàng chục ngàn người dân trong nước, đất nước cũng đã đón nhận làn sóng công dân của mình từ nước ngoài trở về một cách an toàn. Cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” với bao hy vọng phục hưng. Nhiều doanh nghiệp gắng hết nỗ lực để không phải dùng tới điểm tựa là những gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Sự trở lại của Covid-19 giống như một cú đấm bồi vào những doanh nghiệp đang gắng gượng đứng lên sau khi đã phải chịu cú đòn chí mạng ở giai đoạn chống dịch lần thứ nhất và “sức lực” đã bị hao mòn đáng kể. Số doanh nghiệp không có thu nhập, giảm thu nhập đang ngày càng tăng. Rất nhiều doanh nghiệp đang cần một chiếc phao cứu sinh!

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị  Vietravel cho biết, lượng khách hủy tour trong đợt dịch lần này khoảng 50 - 60%, nên doanh đang phải căng mình “chịu trận”. Đặc biệt, hầu hết khách hủy tour đều muốn được trả lại 100% tiền đặt cọc, khiến Công ty khó khăn chồng chất khó khăn. 

Tình hình hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may cũng bi đát, khi ngay cả điểm tựa đang có cũng khó có thể chạm tới.

“Đa số doanh nghiệp dệt may chưa đáp ứng được điều kiện của chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc điều hành nhóm công ty của Happytex nói.

Nhắc tới gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Tân chỉ biết lắc đầu xót xa, vì nhóm các công ty thuộc Happytex (có khoảng hơn 2.000 lao động) không thể đáp ứng được các điều kiện: tài chính bằng không, không còn quỹ lương dự phòng…

Không chỉ ở sự khó tiếp cận tới gói cứu trợ, nhiều doạnh nghiệp như Happytex cũng không khỏi lo lắng trước câu hỏi lấy gì bảo đảm trả được nợ đúng hạn trong tương lai với các khoản được giãn, hoãn, chứ không phải là miễn hay giảm hôm nay, khi mà thị trường vẫn đang đầy rẫy bất lợi.

Điều mà nhiều doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này, vì thế, là chạm tới được gói hỗ trợ lãi suất của ngân hàng.

Hy vọng rằng, mong muốn này sẽ sớm thành hiện thực, nhờ Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi suất, phí; giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó vì Covid-19.

Không để ai ở lại phía sau

Chuyện những lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm; những phụ nữ cao tuổi ly hương bám trụ vỉa hè phố thị kiếm kế sinh nhai; tinh thần sáng tạo, linh hoạt của các doanh nhân trong ngành du lịch, đồ uống… chưa bao giờ bị đặt ra ngoài mối quan tâm chính yếu của Chính phủ.

Tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19 là một nội dung trọng tâm của phiên họp Chính phủ thường kỳ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì mới đây nhất, tháng 7/2020.

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, mọi động thái, nỗ lực của Đảng, Chính phủ đều thể hiện rõ mục tiêu quan trọng là ổn định an sinh xã hội, giúp người dân, doanh nghiệp giữ vững niềm tin.

Nhưng với diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay, tình hình sẽ còn nhiều khó khăn. Trong vòng xoáy ấy, để giải tận gốc bài toán mưu sinh thời “không bình thường”, bên cạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp còn rất cần những giải pháp căn cơ để giữ cho kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc đi, nhắc lại rằng, để duy trì tăng trưởng, phải trông vào “cỗ xe tam mã”: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và thúc đẩy đầu tư công.

Song đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát trên toàn cầu, các nền kinh tế lớn, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, các đối tác lớn của Việt Nam đều đã lâm vào suy thoái, tăng trưởng âm. Thất nghiệp tràn lan kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Và vì thế, con đường xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài của Việt Nam cũng nhiều chông gai hơn.

7 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu chỉ là 0,2%, đạt gần 145,8 tỷ USD. Hàng loạt doanh nghiệp dệt may, da giày chưa ký được đơn hàng mới. Dự báo cho thấy, xuất khẩu những tháng cuối năm còn nhiều lắm những âu lo.

Thị trường nước ngoài đã vậy, thị trường trong nước cũng không khả quan, khi mà việc làm, thu nhập của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kích cầu tiêu dùng nội địa không đơn giản, nhất là khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, tiêu dùng sẽ lại giảm dần…

Trong bối cảnh ấy, “cỗ xe tam mã” chỉ trông chờ nhiều nhất vào thúc đẩy đầu tư công. Đây là giải pháp trong tầm tay, bởi tiền có sẵn, chỉ cần đưa vào “tiêu”. Vấn đề là, phải làm sao “tiêu” hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, bởi giải ngân hết số vốn này, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm được 0,4 điểm phần trăm, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã từng nhấn mạnh: “Giải ngân vốn đầu tư công chính là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm”.

Ngay trong tháng 7 vừa qua, Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã tức tốc tổ chức các đoàn công tác xuống từng địa phương, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội.

Không chỉ giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn, việc Chính phủ yêu cầu nhanh chóng triển khai xây dựng một loạt dự án trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành…, theo Thạc sỹ Vũ Ngọc Bảo (Đại học Fulbright Việt Nam), còn là bước chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn phát triển về sau.

Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh bình luận, thúc đẩy đầu tư công trong lúc này là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập, việc làm của người dân. Chỉ khi người dân có việc làm, có thu nhập, thì mới có thể tính đến chuyện “kích cầu” để thúc tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ câu chuyện của Trung Quốc, chuyên gia Cao Viết Sinh cũng nhận định, không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình tái thiết hậu Covid-19, đất nước này cũng tập trung phát triển hạ tầng, bơm vốn cho các ngân hàng, đẩy mạnh khởi nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước mở rộng quy mô tuyển dụng. Thậm chí, Thủ tướng Trung Quốc còn khẳng định, điều quan trọng nhất trong năm nay không phải là tăng trưởng, mà là ổn định việc làm, sinh kế cho người dân…

Còn tại Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang tạo cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp niềm tin rằng mình sẽ không bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển của đất nước. Trong đó, điều mang ý nghĩa nhân văn là, nhóm dễ bị tổn thương nhất - những người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ - sẽ cảm nhận được phép màu cộng sinh, để có thêm động lực hướng đến ngày mai tươi sáng.

Gói trợ giúp nên hướng tới các doanh nghiệp nỗ lực giữ người lao động

TS. Chang - Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam

Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng việc làm lớn, mà mọi thành phần, không chỉ Chính phủ mà cả doanh nghiệp, công đoàn và người lao động, phải phối hợp với nhau để giảm thiểu những tác động do cuộc khủng hoảng này gây ra. Hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới các doanh nghiệp có triển vọng tích cực, do họ hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo, nhưng đang phải đối mặt với khủng hoảng tạm thời. Chính phủ nên đưa các doanh nghiệp này vào đối tượng mục tiêu của các gói hỗ trợ.

Tôi muốn nhấn mạnh, Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các doanh nghiệp nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải bằng các biện pháp điều chỉnh thời giờ làm việc, chia sẻ công việc, đào tạo tại chỗ, giảm lương có sự tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động.

Làm như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hết mình trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên, trong khi vẫn duy trì được năng suất của người lao động cho công cuộc phục hồi nhanh hơn hậu Covid-19.

Dùng tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đào tạo người lao động

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Hiện Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang có 80.000 tỷ đồng kết dư. Nếu chi 4.500 tỷ đồng hoặc 7.000 tỷ đồng để đào tạo nghề là hoàn toàn có thể. Khoảng10 năm nay, Việt Nam chưa bỏ ra khoản kinh phí nào để đào tạo người lao động tại doanh nghiệp. Nên giao nguồn kinh phí này cho các doanh nghiệp đào tạo đi trước, đón đầu, đào tạo lại người thất nghiệp để họ được quay lại thị trường lao động. Nên khuyến khích dùng gói hỗ trợ này cho đào tạo nghề hơn là để người lao động tiêu xài cho cuộc sống.

Tin bài liên quan