McDonald’s và câu chuyện đầu tư vào Việt Nam

(ĐTCK) Chỉ cách đây vài năm, những món gà rán Kentucky (Kentucky Fried Chicken - KFC) đã tạo ra một sự lựa chọn khá nóng với thực đơn của giới trẻ. Nhưng độ nóng không kéo dài được lâu bởi cơm là sự lựa chọn duy nhất trong bữa chính vài ngàn năm qua của người Việt. Đây sẽ là một thách thức với thương hiệu ăn nhanh số 1 thế giới McDonald’s.
Cửa hàng của McDonald's tại TP.HCM (ảnh: Zing)

Cửa hàng của McDonald's tại TP.HCM (ảnh: Zing)

Cửa hàng đầu tiên của McDonald’s tại Dakao, Điện Biên Phủ, TP. HCM mở cửa ngày ngày hôm nay (8/2) mang đến nhiều ý nghĩa, không chỉ cho người tiêu dùng. McDonald’s xuất hiện còn là câu chuyện đáng quan tâm trong thu hút đầu tư và các thương hiệu toàn cầu vào Việt Nam.

Mỗi hãng khi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đều có nhiều lý do, nhiều cân nhắc. Nhưng tất cả đang giúp Việt Nam sáng lên trên bản đồ đầu tư toàn cầu.

Tới đây khi hãng bán lẻ số 1 của Mỹ và số 1 toàn cầu là Wallmart xuất hiện thì mức độ quan tâm chắc chắn sẽ không kém cạnh gì. Phó Chủ tịch của hãng này, ông Bill Foudy, ngay ngày đầu năm 2014 đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam và đưa ra tuyên bố mong muốn mở siêu thị tại thị trường 90 triệu dân này.

Câu chuyện đầu tư vào Việt Nam sẽ có thêm những nét chấm phá lớn, và gây chú ý giống như chuyện Intel khánh thành nhà máy lớn nhất của mình tại Việt Nam năm 2010, hay như hãng smartphone lớn nhất thế giới Samsung mở nhà máy tại Thái Nguyên năm ngoái.

Quay trở lại với McDonald’s, sự hiện diện của các thương hiệu đồ ăn nhanh khác như KFC, Loteria, Burger King… là một thách thức, dù kế hoạch sau cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM, hãng sẽ mở khoảng 100 cửa hàng trên toàn quốc.

Nhưng thách thức đến từ đối thủ cạnh tranh chỉ là một phần nhỏ, thói quen tiêu dùng của người Việt mới là rào cản lớn nhất.

Cũng mới đây khoảng 2 năm, một thương hiệu Việt “có tí nhái” McDonald là VietMac với món cơm kẹp cũng tạo được sự chú ý đáng kể cho người tiêu dùng, nhưng giờ đây sẽ rất khó có thể tìm tới món ăn nhanh này dù đã được Việt hóa khá kỹ từ cơm tới nước sốt.

Trên thực tế, thách thức với McDonald’s đã xuất hiện tại nhiều thị trường lớn hơn trên toàn cầu. Đầu tiên là từ quê nhà Mỹ, McDonald’s đã gặp khó khăn khi nhiều người tiêu dùng phản đối thậm chí tẩy chay. Nhưng Hoa Kỳ cũng chỉ chiếm khoảng 32% doanh thu bán hàng trong năm qua. 68% còn lại, McDonald’s kiếm được từ các thị trường nước ngoài, mà trong đó, châu Á chính là một trong các thị trường quan trọng.

Dù vậy, trong năm qua, hai quốc gia đóng góp lớn vào doanh thu bán hàng của hãng là Trung Quốc và Nhật Bản đã chứng kiến sự tụt dốc nghiêm trọng của McDonald’s. Cụ thể, theo đánh giá của Business Week, ở cả hai quốc gia này, người tiêu dùng đang mất đi sự thèm muốn các sản phẩm của McDonald’s.

Riêng tại Trung Quốc, hãng đồ ăn nhanh Mỹ đã phải trải qua sự suy giảm trong doanh thu bán hàng lên tới 3,6% trong năm qua. Dù trong tháng cuối cùng của năm 2013, McDonald’s đã công bố kế hoạch sẽ thuê thêm 75.000 công nhân để tập trung cho chiến lược “hồi sinh” trong năm Giáp Ngọ. 

Trong khi tại Nhật Bản, kể từ thời điểm năm 2008 với các đợt tăng giá sản phẩm, các khách hàng đã trở nên không còn mặn mà với McDonald’s. Sự cẩu thả trong phục vụ cũng như hàng loạt các bê bối vệ sinh, an toàn thực phẩm trong suốt thời gian qua (không chỉ tại Nhật) đã khiến các thực khách tại xứ sở mặt trời mọc xa dần các quán ăn nhanh.

Tính trong cả năm 2013, McDonald’s tại Nhật đã để doanh thu tụt giảm 11,6%, khiến lợi nhuận giảm tới 60% so với năm 2012, chỉ còn 5,14 tỷ yen. Cổ phiếu của hãng tại Nhật cũng vì thế mà giảm 9% trong 6 tháng qua.

Tính toàn châu Á, theo Bloomberg, doanh thu bán hàng của McDonald’s đã giảm 2,1% trong tháng 12. Quan trọng hơn, đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp mức giảm trên 2% được duy trì. Những con số phản ánh thực tế ảm đạm này sẽ là một điều tồi tệ với tương lai của hãng đồ ăn nhanh Mỹ tại châu Á và là thách thức với tương lai tại Việt Nam.

Bởi theo nhận định của Business Week, nhiều người dân châu Á đang mệt mỏi với con đường phát triển của McDonald’s. Business Week còn cho rằng cửa hàng mới tại TP. HCM sẽ không thể giúp hãng giải quyết các khó khăn trên toàn khu vực, nhất là khi khẩu vị tinh tế của người Việt và nhiều người dân châu Á khác vốn tự hào về nghệ thuật ẩm thực truyền thống có nhiều điểm tương đồng.
Tin bài liên quan