Luật PPP hướng tới thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước

Luật PPP hướng tới thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước

(ĐTCK) Tính đến 31/1/2019, đã có trên 1,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư được huy động qua hình thức đầu tư đối tác công tư PPP đưa vào nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư hạ tầng.

Số liệu thống kê vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 26/8. 

Cụ thể, tính đến thời điểm trên, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó có 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án BT và 8 dự án các loại hợp đồng khác.

Mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế trong thời gian đầu triển khai song các công trình từ dự án PPP đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục vụ nhu cầu về dịch vụ công của toàn xã hội, từ đó tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn triển khai cho thấy các quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa nhằm tạo khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn  với quy mô lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đồng thời, việc xây dựng khung pháp lý ở cấp Luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả các dự án, khắc phục được các tồn tại, bất cập do khâu thực thi trong bối cảnh thiếu chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Luật PPP hướng tới thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước ảnh 1

Toàn cảnh Hội thảo

Vì vậy, mục đích xây dựng Luật PPP hướng tới tạo dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác.

Bên cạnh đó, Luật sẽ bảo đảm tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai minh bạch và hiệu quả, góp phần tạo niềm tin thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hữu hạn của Nhà nước như vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư…

Đánh giá về quá trình thực hiện thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc thể chế hoá các định hướng chỉ đạo của Đảng về huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP còn chậm. Đến nay, các dự án PPP vẫn vận dụng các luật chuyên ngành, chưa có luật riêng và chủ yếu mới chỉ được điều chỉnh ở cấp nghị định nên quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Để nhanh chóng khắc phục các bất cập này, ông Thanh cho biết, Dự án Luật PPP đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

“Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo quá trình soạn thảo nhằm đảm bảo tiến độ, theo đó dự thảo luật sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 cuối năm nay và phấn đấu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 giữa năm 2020", ông Thanh nhấn mạnh và cho biết thêm "Để đảm bảo tiến độ này, ngay cuối tuần này, Uỷ ban Kinh tế sẽ tiến hành thẩm tra chính thức dự án Luật PPP”.

Tại Hội thảo, Ủy ban Kinh tế quốc hội cũng nêu lên 9 vấn đề cần lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật.

Bao gồm: Quy mô mức vốn từ 200 tỷ đồng trở lên liệu đã phù hợp; các lĩnh vực đưa vào Hợp đồng PPP liệu được đã phủ kín và bao quát trong dự án Luật; thẩm quyền quyết định chủ trương dự án PPP; thành lập Hội đồng thẩm định dự án; cơ chế nhà nước trong quản lý vốn nhà nước tham gia vào dự án để quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát vốn, đội vốn nhưng vẫn bảo đảm tiến độ; cơ chế bảo đảm bảo lãnh của Chính phủ đối với nhà đầu tư tham gia các dự án này; lựa chọn nhà đầu tư; hoạt động của doanh nghiệp dự án; loại hình đầu tư theo phương thức PPP.

Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật đầu tư PPP, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng cục Quản lý Đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kế thừa Nghị định 63, lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP được nâng cấp quy định tại Nghị định này và có tính tới việc khu biệt phạm vi với trọng tâm tập trung vào các ngành nghề hấp dẫn nhà đầu tư như Giao thông vận tải; năng lượng, nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan nhà nước, hạ tầng công nghệ thông tin…

Về quy mô dự án, theo ông Trương, Ban soạn thảo đã tham vấn ý kiến rộng rãi về hạn mức 200 tỷ đồng trở lên đối với các dự án PPP, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

“Có ý kiến cho rằng, với quy định hạn mức 200 tỷ đồng có thể bỏ qua cơ hội cho các dự án có quy mô nhỏ hơn, tuy nhiên, quan điểm của Ban soạn thảo là nguồn lực nhà nước hạn chế không thể dàn trải và kéo dài thời gian, nên chỉ tập trung vào các dự án thúc đẩy cơ sở hạ tầng quốc gia có quy mô theo hạn mức trên", ông Trương nhấn mạnh.

Còn đối với các dự án có quy mô nhỏ hơn hạn mức trên, theo đại diện Ban soạn thảo, có thể lựa chọn các phương thức đầu tư khác để hợp tác với khu vực tư nhân với thủ tục được đơn giản hóa nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư chẳng hạn như hình thức xã hội hóa, liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế giáo dục, thuê nhà thầu vận hành đối với công trình sẵn có…

Về trình tự thực hiện dự án PPP, cơ bản quy trình thực hiện dự án theo quy định hiện hành đã tiệm cận thông lệ quốc tế. Liên quan các loại hợp đồng,  Ban soạn thảo đề xuất dự thảo Luật tiếp tục kế thừa nghị định 63/CP với 7 loại hợp đồng chính theo 3 nhóm hợp đồng gồm thu phí từ người sử dụng (BOT, BTO,BOO và O&M), nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ (BLT,BTL) và đổi nguồn lực lấy công trình (BT). Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, dự thảo luật đề xuất không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.

Theo quan điểm của các chuyên gia và đại diện nhà đầu tư trong và ngoài nước, điều quan trọng nhất là cần làm rõ bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư cũng như dự án PPP, để từ đó thống nhất hướng phân loại dự án PPP cũng như cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo tính đồng bộ giữa dự án Luật PPP với các luật hiện hành; dự án Luật cũng cần xây dựng được cơ chế bảo lãnh cho nhà đầu tư, bảo đảm lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư để đảm bảo tính hấp dẫn thhu hút tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời hạn chế thấp nhất các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo đơn giản hóa các điều kiện thủ tục cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan