Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ giải bài toán doanh nghiệp khó lớn

0:00 / 0:00
0:00
Luật Doanh nghiệp 2020 có thể không làm tăng đột biến số lượng doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi thứ hạng về quản trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Gia nhập thị trường tiếp tục thuận lợi

Tương tự như những phiên bản trước, Luật Doanh nghiệp 2020, sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2021 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường, cả ở góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước.

“Có thể sẽ không có sự đột biến về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, cho dù những quy định mới liên quan đến các thủ tục gia nhập thị trường có thể làm thứ hạng của Việt Nam ở tiêu chí này trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tăng 30 bậc như yêu cầu của Chính phủ, thậm chí có thể tăng hơn”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những người trực tiếp chắp bút cho Luật Doanh nghiệp 2020, nói.

Lý do để ông Hiếu tin vào khả năng thăng hạng nhanh này, đó là việc bỏ hoàn toàn thủ tục hành chính liên quan đến con dấu của doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp sử dụng con dấu số, đăng ký doanh nghiệp thực hiện hoàn toàn trên môi trường số...

Cũng phải nói thêm, việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020) đang cắt giảm mạnh thời gian và chi phí liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Tháng 2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập, giảm đí 1 thủ tục trong quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam, còn 7 thủ tục và chi phí giảm 2.000.000 đồng.

Dự thảo nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in vừa được hoàn tất trình Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành vào cuối tháng 7/2020. Khi Nghị định này được ban hành, thêm 2 bước thủ tục sẽ được giảm.

“Các phiên bản Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 đã tập trung vào mảng nội dung này, tạo nên cuộc cách mạng về thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam trong 20 năm qua. Nhưng cũng có nghĩa là dư địa cắt giảm thêm nữa không còn nhiều”, ông Hiếu phân tích.

Nâng cấp quản trị doanh nghiệp là mục tiêu chính

“Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp 2020 là tạo nên sự thay đổi trong quản trị công ty. Các vấn đề này rất kỹ thuật, có thể không hấp dẫn báo chí, nhưng sẽ làm thay đổi bản chất hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hiếu trao đổi.

Đây không phải lần đầu tiên ông Hiếu nói về điều này. Một cách tổng quan nhất, các điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến quản trị doanh nghiệp tập trung vào mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty. Cụ thể, giảm bớt yêu cầu, điều kiện để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng: đề cử, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông….

Luật Doanh nghiệp giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần, bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục từ trên 06 tháng, bỏ yêu cầu sử dụng mẫu đại diện ủy quyền của cổ đông do công ty phát hành...

“Nói một cách nôm na, thông qua những sửa đổi có tính đột phá đối với khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ chuẩn mực mới quản trị công ty, tuân thủ yêu cầu về công khai, minh bạch... Đây chính là chìa khóa tạo doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, đối tác mới... Doanh nghiệp sẽ lớn lên chính từ sự chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp”, ông Hiếu giải thích.

Thực tế, lâu nay, quản trị doanh nghiệp vẫn được coi là điều xa xỉ ở doanh nghiệp Việt Nam. Những vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong ngành cà phê một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đều có một nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Không những thế, thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp...

Các lần tham gia đánh giá Thẻ điểm quản tri công ty ASEAN, ông Hiếu và các cộng sự CIEM đã nhìn thấy thực tế này khi điểm của Việt Nam luôn dưới trung bình. Lần gần nhất là 42/100 điểm. Đây là điểm trung bình của 100 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, có thông tin bằng tiếng Anh trên trang web. Nếu nhìn rộng ra các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, không niêm yết, có thể điểm số còn thấp hơn rất nhiều.

CIEM đã nghiên cứu, có sự liên quan giữa quản trị doanh nghiệp tốt và hiệu quả hoạt động. Nhóm công ty có điểm quản trị công ty cao nhất cũng là nhóm có hiệu quả hoạt động tốt nhất.

“Đây là lý do chúng tôi kỳ vọng, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ nâng cấp chất lượng doanh nghiệp của Việt Nam. Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp đã chuyển từ mở của thị trường, tự do kinh doanh sang nâng cấp quản trị doanh nghiệp. Khi các đoanh nghiệp ý thức rõ về quản trị doanh nghiệp, bài toán doanh nghiệp Việt khó lớn sẽ được giải”, ông Hiếu kỳ vọng.

Ông Hiếu cũng tin rằng, với những thay đổi yêu cầu về quản trị doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2020, điểm số của các doanh nghiệp Việt Nam trongThẻ điểm quản trị công ty ASEAN lần công bố tới sẽ tăng lên. 

Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ giải bài toán doanh nghiệp khó lớn ảnh 1

So sánh hiệu quả hoạt động được cải thiện khi có quản trị tốt

+ Các công ty ở các thị trường mới nổi có quản trị tốt được xếp hạng cao hơn 8 điểm phần trăm về giá trị kinh tế gia tăng so với các công ty cùng ngành và cùng quy mô
+ Quản lý rủi ro được cải thiện: Công ty có quản trị ưu việt có hồ sơ rủi ro thấp hơn nhiều
+ Định giá công ty cao hơn & cổ phiếu có giá trị cao hơn: Nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn tới 40% cho những công ty quản trị tốt.
+ Cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn: Tương quan mạnh mẽ giữa quản trị tốt và chi phí vốn thấp hơn
+ Cải thiện sự bền vững: Giúp giải quyết các vấn đề quản trị gia đình cho những doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình và giúp cho việc chuyển giao cho các thế hệ tương lai trở nên dễ dàng hơn
 Nguồn: CIEM

Tin bài liên quan