TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Lựa chọn nhà nước kiến tạo - nhìn từ các nước Đông Bắc Á

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, Báo Đầu tư có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về thông điệp “Nhà nước kiến tạo”, “Chính phủ kiến tạo”.

Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đã phát hiện ra rằng, sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc và sau này là Trung Quốc là nhờ mô hình nhà nước kiến tạo. Vậy theo ông, nội hàm của “nhà nước kiến tạo” là gì?

Trên thế giới hiện nay có 3 mô hình nhà nước, gồm: nhà nước điều chỉnh là mô hình nhà nước đề cao vai trò của thị trường, coi thị trường là yếu tố dẫn dắt sự phát triển, nhà nước can thiệp tối thiểu vào thị trường; nhà nước kế hoạch hóa tập trung là mô hình mà Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây từng theo đuổi, phủ nhận vai trò của thị trường, nhà nước làm tất cả mọi việc; còn nhà nước kiến tạo công nhận thị trường, nhưng tích cực can thiệp vào thị trường, không phủ nhận thị trường, nhưng không tuyệt đối hóa thị trường.

Anh, Mỹ và rất nhiều nước theo mô hình nhà nước điều chỉnh. Ví dụ, khi muốn tư nhân đầu tư vào ngành khai thác than, Tổng thống Donald Trump không ban hành các quyết định, chỉ thị hay bất cứ mệnh lệnh hành chính nào yêu cầu phải đẩy mạnh khai thác than, mà ông chỉ hạ tiêu chuẩn xả thải khí ra môi trường đối với nhà máy nhiệt điện dùng than. Tiêu chuẩn được hạ thì nhu cầu sử dụng than của các nhà máy điện tăng lên, tư nhân đua nhau đầu tư vào ngành khai thác than. Tương tự, để giải quyết tình trạng thất nghiệp, Tổng thống Donald Trump thay vì thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh thì tuyên bố rút khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu thế giới (Thỏa thuận COP21). Không tham gia COP21 đồng nghĩa với doanh nghiệp Mỹ không bị ràng buộc bởi các điều kiện bảo vệ môi trường nên giảm được chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, tạo thêm việc làm và giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung đến nay chắc chắn đã hết vai trò lịch sử. Còn nhà nước kiến tạo là mô hình nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Mô hình này đang được các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và lãnh thổ Đài Loan áp dụng. Trong trường hợp muốn phát triển ngành khai thác than hay giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhà nước kiến tạo đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển thông qua việc hoạch định đường lối công nghiệp hóa và tác động lên thị trường bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để hiện thực hóa đường lối đó.

Theo lập luận đó, cả hai mô hình rõ ràng đều đã mang đến thành công cho những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng mỗi nhóm quốc gia trong số đó lại chọn cho mình một mô hình riêng. Dường như, từng nhóm sẽ có một căn cứ chung nào đó để lựa chọn?

Các mô hình thể chế chỉ thành công khi được kiến tạo trên một nền tảng văn hóa phù hợp. Các nước áp dụng mô hình nhà nước điều chỉnh thành công thường là những nước có nền tảng văn hóa tương đồng với Anh như Mỹ, Australia, Canada, New Zealand… Trong khi đó, mô hình nhà nước kiến tạo mang đến sự phát triển thần kỳ về kinh tế chỉ trong thời gian ngắn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan - những nền kinh tế Đông Bắc Á cùng có nền tảng văn hóa chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi Nho học, Khổng giáo từ nhiều ngàn năm nay.

Nếu căn cứ trên nền tảng văn hóa như vậy, phải chăng Việt Nam cũng phù hợp hơn với mô hình nhà nước kiến tạo?

Việt Nam tuy là nước thuộc khu vực Đông Nam Á, nhưng về mặt văn hóa lại tương đồng với khu vực Đông Bắc Á. Nền tảng văn hóa của nước ta rõ ràng là thuận lợi hơn cho mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hơn là mô hình nhà nước điều chỉnh.

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 26/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cam kết, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 “nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Theo quan sát của ông, “Chính phủ kiến tạo phát triển” đang được triển khai như thế nào?

Những nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đang thực hiện theo hướng nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, nhờ đó mà thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này cũng được thể hiện ngay tại bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định trong nhiệm kỳ của mình, Chính phủ phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá.

Cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo, ngay sau khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ Thủ tướng vào ngày 7/4/2016 thì đến ngày 29/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Từ đó đến nay, người đứng đầu Chính phủ liên tục chủ trì hội nghị, gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, nông dân... Kết quả của những buổi làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc này là ra đời Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các Nghị quyết 19/NQ-CP (năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP)… và đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Có thể nói, với những nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ, một Chính phủ kiến tạo phát triển, rộng hơn là một Nhà nước kiến tạo phát triển đã dần hình hài. Và theo tôi, đây là mô hình Chính phủ phù hợp với Việt Nam.

Như ông nói, muốn xây dựng một nhà nước kiến tạo, một trong những điều kiện tiên quyết là phải thu hút được người có thực tài. Trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dẫn lời của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu” và khẳng định, ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu. Thưa ông, vấn đề là làm sao thu hút được đội ngũ trí thức tinh hoa vào làm việc cho cơ quan nhà nước để dựng xây một nhà nước kiến tạo?

Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc cũng như của các nước và lãnh thổ Đông Bắc Á tương đồng về văn hóa với Việt Nam đều thấy, khi nào nhân tài, hào kiệt hợp sức với triều đình, ra tay gánh vác giang sơn thì triều đại phong kiến đó phát triển và ngược lại. Đội ngũ nhân tài, hào kiệt này được hình thành qua truyền thống ham học, lấy tư tưởng, triết lý của Nho học, Khổng giáo làm kim chỉ nam và phải thông qua chế độ khoa bảng nghiêm ngặt trước khi được bổ nhiệm làm quan, từ chức nhỏ đến chức lớn phụ thuộc vào quá trình tu chí, rèn luyện, cống hiến, đóng góp của từng người. Các nước và lãnh thổ Đông Bắc Á rất thấu hiểu điều này, nên khi xây dựng nhà nước kiến tạo họ đã tập hợp được đội ngũ hành chính - công vụ rất tinh hoa.

Nhiều người không đồng tình với hệ thống giáo dục, thi cử của Việt Nam vì cho rằng, ai học cũng muốn làm quan (công chức, viên chức, cán bộ trong các doanh nghiệp, tổ chức). Nhìn vào hệ thống đào tạo, thi cử của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan sẽ thấy, áp lực học hành, thi cử hết cấp, thi vào đại học của học sinh, thí sinh, phụ huynh và cả xã hội cũng vô cùng căng thẳng, thậm chí còn căng thẳng, áp lực hơn Việt Nam. Học sinh, phụ huynh đều muốn học hành, đỗ đạt để trở thành công chức, viên chức và nhờ đó, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã lựa chọn được những người có thực tài, nếu không muốn nói là tinh hoa vào làm việc. Và chính đội ngũ này đã xây dựng nên nhà nước kiến tạo, giúp các nước và lãnh thổ Đông Bắc Á có sự phát triển thần kỳ về kinh tế chỉ trong một thời gian rất ngắn. 

Truyền thống hiếu học, cố gắng học hành bất chấp hoàn cảnh, vượt qua các kỳ thi để làm quan, lâu nay đã là một phần của văn hóa Việt cũng như văn hóa các nước và lãnh thổ Đông Bắc Á. Đây là nguồn nhân lực vô cùng to lớn, là khâu quyết định để xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ kiến tạo, vì chính đội ngũ công chức này là người xây dựng thể chế. Vấn đề còn lại là cần phải tổ chức thi cử, cả thi ở bậc phổ thông, thi đại học, thi tuyển công chức, viên chức sao cho trung thực, khách quan.

Việc người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức là động thái cho thấy, Chính phủ thực sự cầu hiền tài để cùng chung tay xây dựng nhà nước kiến tạo, thưa ông?

Trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của người xưa: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” cho thấy, ông đặc biệt quan tâm tới đội ngũ nhân sỹ, trí thức. Ông đã dành thời gian làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Viện Toán học, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam… Thủ tướng cam kết, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ, cho các nhà khoa học phát huy khả năng trí tuệ, vươn tới đỉnh cao khoa học, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Điều này phản ánh tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về vai trò quan trọng của trí thức trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Thủ tướng nhiều lần phát biểu: “Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Và nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Trong cuộc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Thủ tướng đã đề nghị đội ngũ nhà khoa học, trí thức người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài chung tay giúp xây dựng đất nước. Thủ tướng cũng cam kết, Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, làm sao kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước.

Nhà nước kiến tạo phát triển cần phải có đội ngũ công chức, viên chức là những trí thức tinh hoa có thể làm việc trực tiếp, có thể đóng góp ý kiến, phản biện chính sách, giúp Chính phủ xây dựng được một hệ thống cơ chế, chính sách mang đúng nội hàm kiến tạo. Kinh nghiệm của các nước Đông - Bắc Á cho thấy, để nền kinh tế “thành rồng, thành  hổ”, đạt được sự phát triển vượt bậc mà cả thế giới phải ngưỡng mộ, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng một đội ngũ công chức như vậy.

Tin bài liên quan