Lỗi số liệu không chỉ xảy ra ở việc xây dựng tổng sơ đồ điện, mà là vấn đề lớn của nền kinh tế.

Lỗi số liệu không chỉ xảy ra ở việc xây dựng tổng sơ đồ điện, mà là vấn đề lớn của nền kinh tế.

Lỗi số liệu

(ĐTCK) Lỗi của chất lượng dự báo kém so với thực tế của Tổng sơ đồ điện 6 (TSĐ6) được các chuyên gia thực hiện quy cho là số liệu đầu vào không đầy đủ. Đây cũng là lý do giải thích cho tình trạng số liệu khác biệt giữa các tỉnh trong TSĐ6, cũng như sự khác biệt giữa tính toán nhu cầu tăng trưởng phụ tải theo phương án cơ sở là 17% và mức 12% của thực tế.

Hiện tại, TSĐ7 đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, hệ thống dữ liệu cho toàn ngành đang được xây dựng. Không hiểu tình trạng lỗi chất lượng do lỗi số liệu có kịp được cải thiện.

Khi nói về điều này, vị quan chức Bộ Công Thương thừa nhận, thực tế lỗi số liệu không chỉ xảy ra ở việc xây dựng tổng sơ đồ điện, mà là vấn đề lớn của nền kinh tế. Ngay hôm công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2008 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các chuyên gia lý giải sự chậm trễ của thời điểm công bố năm nay là do sự thiếu hụt về số liệu đầu vào do chưa tiếp cận được nguồn thông tin cần thiết. Vào thời điểm tháng 4, thời gian thông lệ CIEM công bố báo cáo này, các chuyên gia thực hiện báo cáo cho biết, chưa đủ số liệu cần thiết để chạy chương trình. Việc thu thập vẫn phải tiếp tục. Hơn thế, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM tại buổi công bố này cho biết, chất lượng thông tin đầu vào của báo cáo cũng chưa đạt được như mong muốn của các chuyên gia nghiên cứu.

Trong khi đó, ở vị trí của CIEM, việc tiếp cận và có được nguồn số liệu chính xác, kịp thời và đầy đủ khá thuận lợi. Thậm chí, có thể nói nguồn số liệu mà CIEM có được thuộc diện "tốp" đầu về chất lượng. Việc phối hợp và tiếp cận số liệu về kinh tế lại một lần nữa được nhắc tới như một rào cản không dễ dỡ bỏ.

Vào đầu năm nay, Việt Nam nhận được hàng loạt thông tin dự báo của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đã có những dự báo "giật mình" với tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 0,3% trong năm 2009 như của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist. Song, nhiều chuyên gia kinh tế cả trong nước và nước ngoài khi đó đã chỉ ra được phần trống số liệu của dự báo này. Rất có thể, cơ hội để EIU có thông tin hoàn toàn không dễ.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong khá nhiều cuộc làm việc giữa nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị cải thiện việc tiếp cận thông tin luôn được đặt lên hàng đầu. Tại cuộc làm việc giữa các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2009, lý do của các đề nghị về việc thành lập văn phòng một cửa về đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài là họ khó có thể tiếp cận và nắm được các thông tin đầy đủ và cần thiết để thực hiện ý định đầu tư tại Việt Nam.

Thực ra, vấn đề lỗi số liệu hoàn toàn không mới, nhưng chính điểm này đang kéo lùi lại những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cũng như chất lượng các quy hoạch, chính sách kinh tế của Việt Nam.

Trở lại câu chuyện của TSĐ7, vị quan chức của Bộ Công Thương tâm sự, hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn khi chất lượng của số liệu đang được cải thiện. Tuy nhiên, điều này chắc khó kiểm soát vì chất lượng của hệ thống số liệu này lại phụ thuộc vào chất lượng số liệu đầu vào của... số liệu.

Cũng cần nhắc đến nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội về thực thi quyền được tiếp cận thông tin vừa mới công bố. Theo đó, hầu hết phiếu điều tra (phiếu thăm dò ý kiến nhằm thu thập thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng Luật Tiếp cận thông tin) đều cho rằng, các cán bộ rất lúng túng khi gặp những trường hợp yêu cầu phải được cung cấp thông tin.

"Phần lớn họ đều chuyển yêu cầu lên cấp trên. Hiện tượng đóng dấu mật lên các công văn giấy tờ không thuộc phạm trù mật còn tràn lan. Mặc dù đã có những quy định đơn lẻ về việc cung cấp thông tin cho nhân dân ở các văn bản pháp luật đơn ngành, nhưng hầu như các công chức không coi việc cung cấp thông tin là trách nhiệm của họ", ông Dung nói.