Hiện nay, việc xây dựng khái niệm thống nhất về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.

Hiện nay, việc xây dựng khái niệm thống nhất về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.

Lối gỡ

(ĐTCK) Khoảng trống trong quy định về xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tiếp tục được nhắc tới khi mới đây, Phở 24, bánh Kinh Đô và hàng loạt thương hiệu Việt Nam khác đang vướng phải trở ngại lớn trong việc phát triển mạng lưới kinh doanh, hệ thống phân phối của mình.

Nguyên do rất khó giải quyết, đó là các doanh nghiệp này đều có tỷ lệ nhất định phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Mặc nhiên, trong khi các quy định về thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng, việc giới hạn trong lĩnh vực phân phối đã được coi như áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, bất kể tỷ lệ đó là bao nhiêu.

Luật sư Trần Anh Đức, Công ty Vilaf Hồng Đức cho rằng, sự mặc nhiên đã kéo khá dài và chưa có dấu hiệu kết thúc, dù đã có khuyến nghị từ phía doanh nghiệp trong việc cần làm rõ quy định này để thực hiện tốt các quy định liên quan đến cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cũng phải thừa nhận rằng, ngay sau khi có Nghị quyết 71/2006/QHXI phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nghiên cứu và đề xuất các tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài làm cơ sở phân loại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Một dự thảo nghị định về nội dung này cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi thảo. Khi đó, khá nhiều tỷ lệ được đưa ra bàn thảo. Phần đông quan điểm đồng thuận với tỷ lệ 30% vốn đầu tư nước ngoài sẽ được coi là nhà đầu tư nước ngoài, phải tuân thủ các quy định giới hạn (nếu có) trong một số lĩnh vực theo cam kết của Việt Nam.

Chúng tôi được tham gia tham vấn các dự thảo, nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xác nhận thời gian dự trù ban hành các văn bản làm rõ các hướng dẫn thực hiện cam kết về WTO”, ông Đức nói.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là vấn đề phức tạp và việc xây dựng một khái niệm thống nhất về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp này vẫn phải chịu một số giới hạn kinh doanh nhất định theo cam kết của Việt Nam với WTO. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thông tin rằng, các dự thảo đã xây dựng trước đây về vấn đề này vẫn đang tiếp tục được cân nhắc và nhiều khả năng, việc vận dụng quy định của thế giới, của WTO sẽ được thực hiện, thay vì Việt Nam đưa ra văn bản riêng.

Cụ thể, theo vị chuyên gia này, các phân định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước được Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) quy định ở tỷ lệ trên 50%. Có nghĩa là doanh nghiệp có tỷ lệ vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên 50% mới được xác định là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và mới phải chịu các giới hạn dành cho khu vực doanh nghiệp này trong cam kết của Việt Nam với WTO về lĩnh vực thương mai, dịch vụ.

Tuy nhiên, cái khó là nếu chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sẽ không thể loại trừ được phát sinh cũng bởi nguyên nhân này trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác. Hiện tại, một số lĩnh vực chuyên ngành như ngân hàng, chứng khoán… có những quy định riêng về giới hạn tỷ lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực khác nhau có thể sẽ khác nhau. Khi đó, việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh chung sẽ khó khăn.

Một nguồn tin từ Bộ Tư Pháp cho biết, Bộ này cũng đang triển khai một văn bản quy định có nội dung liên quan đến xác định khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, dường như đang có sự chuyển giao trách nhiệm về xác định khái niệm này. Không rõ lối gỡ mới cho khái niệm bị treo quá lâu đã có thể được xác định…