Ảnh Shuttestock

Ảnh Shuttestock

Lấn cấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư thấp, cách thức xác định vốn chủ sở hữu phức tạp… đang là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước lấn cấn khi tiến hành cổ phần hóa. 

"Doanh nghiệp nhà nước" không còn là lợi thế

Chia sẻ tại hội thảo về doanh nghiệp nhà nước gần đây, đại diện Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) thẳng thắn rằng, cái mác doanh nghiệp nhà nước giờ đây không còn là lợi thế, mà ngược lại trở thành điểm yếu khiến doanh nghiệp giảm tính cạnh tranh khi đàm phán với các đối tác.

“Khi làm việc với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, họ tỏ ra e ngại các doanh nghiệp nhà nước, bởi vừa phải tuân thủ nhiều thủ tục phức tạp, vừa cần nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Chính EVN cũng rơi vào tình cảnh này khi mời nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Tập đoàn, họ không mặn mà bởi Nhà nước vẫn  muốn nắm tỷ lệ cổ phần chi phối sau cổ phần hóa”, ông Cao Ðạt Khoa, Trưởng ban Quản lý vốn của EVN cho hay.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế EVN cũng cho biết, bất cập còn đến từ việc định dạng loại hình doanh nghiệp nhà nước, cũng như xác định vốn chủ sở hữu do Nhà nước nắm giữ tại các công ty con dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư thứ cấp của các công ty con, công ty cháu chắt vào doanh nghiệp, khiến các đối tác nước ngoài ngao ngán.

“Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định, vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vốn của các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các công ty con có được coi là vốn được nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp không?”, ông Khoa đặt câu hỏi và cho rằng, nếu có thì các công ty này phải tuân thủ quy định tại một loạt luật khác như Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Ðấu thầu đối với các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, Luật Xây dựng và Luật Ðầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Theo ông Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với hệ thống luật pháp chồng chéo, trong đó chỉ riêng Luật số 69 có tới 20 nghị định hướng dẫn thi hành, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài “bỏ chạy” ngay từ đầu, mà cả bản thân người trong cuộc là các doanh nghiệp nhà nước cũng khó có có hội thoát khỏi tình trạng hoạt động èo uột để có thể phát triển một cách tự chủ.

Nhìn nhận vấn đề trên góc độ tạo sức hấp dẫn từ tỷ lệ sở hữu đủ lớn trong thu hút cổ đông chiến lược, nhất là cổ đông nước ngoài, ông Tạ Ngọc Nam, Phó trưởng ban Kế hoạch và chiến lược Tổng công ty Viễn thông Mobiphone cho rằng, để đạt được mục tiêu chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông đa dạng, hiệu quả hơn thì rất cần tăng tỷ lệ tham gia cũng như tỷ lệ sở hữu của các cổ đông bên ngoài khi cổ phần hóa.

“Tỷ lệ cổ phần bán ra không thể chỉ 1-2%, mà phải tối thiểu là 20% thì mới bảo đảm để cổ đông bên ngoài tham gia vào doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Mobiphone, đảm bảo tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược ở mức cao sau cổ phần hóa là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp có thể thu hút được cổ đông đồng hành lâu dài với doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là tìm cổ đông để bán vốn thu tiền về.

“Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, trong chiến lược phát triển dài hạn, chúng tôi cần những nhà đầu tư đồng hành lâu dài để cùng phát triển doanh nghiệp, chứ không phải là những nhà đầu tư tài chính đơn thuần.

Bởi nếu chỉ đầu tư vào doanh nghiệp với mục đích ngắn hạn, khi họ rút vốn sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng bấp bênh, ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn”, ông Nam nói.

Cần thu hẹp tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước sau cổ phần hóa

Thừa nhận thực trạng bất cập còn tồn tại trong cơ chế cổ phần hóa, tại Hội thảo Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030 do CIEM vừa tổ chức, ông Phạm Ðức Trung, Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt được mục tiêu huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế như đã đề ra.

Thực tế, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở nhiều công ty sau khi cổ phần hóa còn ở mức cao, trong đó có các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước giữ cổ phần chi phối hoặc không cần giữ cổ phần.

Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp không bán được cổ phần cho bên ngoài dẫn tới việc cổ đông nhà nước và người lao động phải “ôm” lại toàn bộ cổ phần bán ế.

Dẫn trường hợp cụ thể khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) tiến hành cổ phần hóa và bán hơn 50% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp là Công ty Cơ khí đóng tàu, Công ty Xây lắp môi trường Nhân Cơ, Công ty Phát triển công nghệ và thiết bị mỏ thì nhà đầu tư đều đã đăng ký, đấu giá mua hết số cổ phần chào bán.

Trong khi đó, các đơn vị được phê duyệt Nhà nước nắm giữ từ 51% cổ phần trở lên thì đa số đều không đạt kế hoạch, ông Trung cho rằng, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước chính là một trong những điều kiện tiên quyết để cổ phần hóa thành công.

Trường hợp cổ phần hóa của Công ty mẹ Tổng công ty Sông Ðà và Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) thời gian gần đây là ví dụ.

Cả 2 doanh nghiệp đều thuộc Bộ Xây dựng, có nhiều điểm tương đồng về quy mô vốn nhà nước và ngành nghề kinh doanh, cùng có phương án chào bán lần đầu trên 18% cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài, nhưng khi so sánh hiệu quả cổ phần hóa và IPO giữa 2 doanh nghiệp này cho thấy có sự khác biệt lớn.

Cụ thể, trong khi IDICO bán được 100% số cổ phần chào bán và có được các cổ đông chiến lược, thì Sông Ðà chỉ bán được 0,3% cổ phần và Bộ Xây dựng vẫn phải nắm giữ tới 99,7% sở hữu sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Ðánh giá tác động của việc duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước đến kết quả thu hút đầu tư ở 2 doanh nghiệp này, đại diện CIEM cho rằng, những yếu tố có thể làm cho IDICO thực hiện cổ phần hóa thành công hơn;

Bên cạnh yếu tố kinh tế như các chỉ số kinh doanh trước cổ phần hóa của IDICO tốt hơn so với Sông Ðà, còn có việc IDICO xây dựng phương án duy trì tỷ lệ cổ phần của Nhà nước (Bộ Xây dựng) ở mức thấp với 36% và nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược lên đến 45% đã tạo ra sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư tư nhân mua cổ phần, cổ đông chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp.

Ðiều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục điều chỉnh, thu hẹp tối đa diện doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối để tạo sức hút hơn các nhà đầu tư.

Cần nghiêm túc xem lại khái niệm cổ phần hóa

Lấn cấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước  ảnh 1

TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Việc thay đổi cấu trúc sở hữu (tức cổ phần hóa) doanh nghiệp nhà nước là yếu tố nền tảng để giải quyết vấn đề hiệu quả hoạt động. Khái niệm cổ phần hóa dường như có vấn đề lâu nay. Chỉ cần bán 1% cổ phần thôi cũng đã gọi là cổ phần hóa xong.

Đây chính là lý do vì sao Việt Nam có thể thực hiện kế hoạch cổ phần hóa 100%, nhưng thực chất chuyển đổi sở hữu chỉ 5%, 7% hoặc 10%.

Thậm chí trường hợp như ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) bán xong cổ phần lại đặt ra vấn đề mua lại. Do vậy, cần nghiêm túc xem lại khái niệm này. Cấu trúc sở hữu không đổi thì quản trị không đổi. Nếu như thế mà nói đã cổ phần hóa thành công thì không chuẩn xác. 

Tin bài liên quan