Kỳ vọng thể chế vượt trội cho “tổ phượng hoàng”

Kỳ vọng thể chế vượt trội cho “tổ phượng hoàng”

(ĐTCK) “Việt Nam đã mạnh dạn, chủ động xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” sáng 18/5.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Việt Nam phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã thể hiện thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này. Các đặc khu được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính.

Cụ thể, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới.

Các đặc khu này cũng sẽ trở thành nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Với phương thức quản lý mới, hiện đại, các đặc khu cũng sẽ tạo ra môi trường sống hiện đại, xanh, an toàn cho người dân; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các đặc khu sẽ tạo ra một “sân chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển. Để thu hút đầu tư vào các đặc khu, việc xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò hết sức vô cùng quan trọng.

“Việc thông qua Luật là cần thiết và quan trọng. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật, nhưng quan trọng không kém là góp ý để làm sao khi Luật đã được thông qua, thì có thể triển khai trong thực tế một cách khả thi và hiệu quả, đảm bảo cho sự thành công của các đặc khu”, Bộ trưởng nói.

Góp ý cho Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, các đặc khu phải nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện với tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng, thành công của các đặc khu phụ thuộc chủ yếu vào môi trường đầu tư và vị trí các đặc khu kinh tế, có tính kết nối tốt và gắn kết chặt chẽ với các cụm công nghiệp trong nước, có ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết một khung theo dõi và đánh giá tốt, có thể tham khảo kinh nghiệm từ các đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc), Khu tự do Incheon (Hàn Quốc), Khu thương mại tự do Penang (Malaysia), Khu tự do Jebel Ali (Dubai)…

Bà Liu Rongxin, Tổng giám đốc Sở Quy hoạch Phát triển Khu vực, Viện Phát triển Trung Quốc cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc đã và đang xây dựng gần 140 khu hợp tác kinh tế ngoài biên giới tại 55 quốc gia và khu vực trên thế giới; với tổng diện tích 16.000 km2, vốn đầu tư 48 tỷ USD.

Theo mô hình của nước này, đại đa số Ban quản lý đặc khu kinh tế có thành phần từ cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc, cấp bậc hành chính khá cao.

Đa số Ban quản lý thực hiện chế độ kiêm nhiệm, 1 cơ quan có thể kiêm nhiệm 5-8 bộ ngành, cơ quan Chính phủ. Nhân sự quản lý chỉ bằng 1/10 số lượng nhân sự của Cơ quan chính phủ tương đương. Cung cấp cho nhà đầu tư sự quản lý và phục vụ theo mô hình 1 cửa, chuỗi liên kết, tạo ra môi trường đầu tư có hiệu quả cao, không có bất cứ trở ngại nào, và chi phí giá thành thấp

Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cho rằng, mục tiêu của đặc khu là phải đủ sức cạnh tranh với các đặc khu thành công khác của khu vực và trên thế giới, đồng thời là nơi thử nghiệm thể chế, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Bởi vậy, luật cần có tính Mở, Tự do và chú trọng đặc biệt tới Tổ chức chính quyền địa phương.

Ông Đức lấy ví dụ, trong các điều kiện để được coi là nhà đầu tư chiến lược, quy mô dự án nên được tính dựa trên tổng các dự án do nhà đầu tư (bao gồm cả các dự án của các công ty mẹ/công ty thành viên của nhà đầu tư đó) đầu tư tại đặc khu (bao gồm cả các dự án đã đầu tư tại đặc khu trước khi Luật đặc khu có hiệu lực thi hành) thay vì chỉ là mức đầu tư của công ty mẹ.

Hay thời gian đề giải ngân vốn nên được quy định là “không quá 5 năm” thay vì 3 năm như đang được đề xuất để đảm bảo mức độ ưu đãi của đặc khu so với khu vực ngoài đặc khu.

Ngoài ra, việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đối với trường hợp cá nhân nước ngoài, thời hạn sở hữu nhà ở tại Đặc khu hiện tại được quy định theo Luật Nhà ở là 50 năm, với đặc khu cần thể hiện tính vượt trội, nên chăng xem xét thời hạn sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tại đặc khu sẽ theo thời hạn của dự án đầu tư bất động sản tại Đặc khu.

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 21/5 tới.

Tin bài liên quan