Kinh tế Việt Nam 2018: Một năm trọn vẹn

Kinh tế Việt Nam 2018: Một năm trọn vẹn

Thật khó có cụm từ nào đúng hơn là “cái kết trọn vẹn” khi nhìn lại một năm, nền kinh tế Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Cái kết trọn vẹn đó bắt đầu từ con số mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố ngày hôm qua (25/12), đó là thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 ước đạt 35,46 tỷ USD, bao gồm cả vốn cấp mới, tăng thêm và đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy chỉ bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017, song đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh dòng chảy vốn FDI toàn cầu năm 2018 có những diễn biến không thuận chiều do ảnh hưởng bởi các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… Càng đáng khích lệ hơn, khi năm nay, vốn FDI giải ngân đạt tới 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm ngoái. Đây là mức giải ngân kỷ lục trong vòng 30 năm thu hút FDI của Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, thu hút FDI có lẽ là con số thống kê duy nhất liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam được chính thức công bố. 

Phải tới cuối tuần, cũng là thời điểm cuối năm 2018, các số liệu còn lại mới được công bố.

Mặc dù vậy, có thể khẳng định, sau rất nhiều nỗ lực, nền kinh tế Việt Nam sẽ có một “cái kết trọn vẹn” trong năm 2018. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hào hứng nói rằng, chúng ta “sẽ hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu kế hoạch năm 2018 đề ra”.

Thắng lợi toàn diện và cũng là cái kết trọn vẹn khi 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng GDP được dự báo sẽ cán ngưỡng 7% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, đánh dấu sự trở lại của mức tăng trưởng 7% kể từ sau tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã không đạt được. Tăng trưởng kinh tế cao, nhưng quan trọng không kém, là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%.

Thắng lợi toàn diện và là cái kết trọn vẹn khi năm 2018 một lần nữa ghi nhận những kỷ lục mới. Từ kỷ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là về xuất siêu, đến kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới, kỷ lục về dự trữ ngoại hối, kỷ lục về thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam… Tất cả sẽ vẽ lên bức tranh đẹp, toàn cảnh về kinh tế - xã hội Việt Nam 2018.

Bức tranh đó càng sáng rõ khi trong hai ngày cuối tuần này (28-29/12), Chính phủ sẽ họp với các bộ ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và thảo luận về các giải pháp để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Tại cuộc họp này, khi những số liệu thống kê chính thức được công bố, chuyện về “cái kết trọn vẹn” sẽ được khẳng định một cách vững chắc hơn. Cùng với đó, những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cũng sẽ được chỉ ra để quan trọng hơn cả là làm sao vạch ra đường đi, nước bước, tìm giải pháp để hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, năm có ý nghĩa bản lề đối với việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.

Một cái kết trọn vẹn cho năm 2018, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ bởi thách thức, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn, bởi không thể vội chủ quan với những thành công đã đạt được. Chỉ tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - mới đảm bảo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong năm 2019 cùng những năm tiếp theo.

Tin bài liên quan