Kinh tế tư nhân: Hô hào mãi chưa lớn

Kinh tế tư nhân: Hô hào mãi chưa lớn

(ĐTCK) Được đặt nhiều kỳ vọng về tiềm năng phát triển, song kinh tế tư nhân mãi vẫn chưa thể lớn. Nguyên nhân không chỉ là sự thua thiệt về cơ hội tiếp cận tư liệu sản xuất, mà còn xuất phát từ tâm lý "không chịu lớn" của doanh nghiệp khu vực này.

“Tại sao trong khi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang được Đảng, Chính phủ quan tâm khuyến khích phát triển, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp mà thực tế không được như mong muốn?”.

Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa tổ chức.

Phản ánh bức tranh kém sáng sủa của phong trào khởi nghiệp tại địa phương với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ hoạt động không hiệu quả, thậm chí giải thể, đổ vỡ, ông Vĩnh cho biết, có nguyên nhân quan trọng là thiếu vốn.

“Trớ trêu là bên cần vốn để sản xuất thì không được vay, còn các quỹ tín dụng nhân dân thừa vốn thì lại không giải ngân được. Nghịch lý này vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa gây khó khăn cho Quỹ tín dụng nhân dân”, ông Vĩnh nói và giải thích thêm về nguyên nhân cung – cầu vốn không gặp nhau.

Theo đó, tình trạng này bắt nguồn từ những quy định không phù hợp với thực tiễn về tổng mức cho vay của Quỹ, cũng như giới hạn và thu hẹp địa bàn của Quỹ tín dụng nhân dân tại Thông tư 04/2015 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các quy định này cũng làm gia tăng các thủ tục mà thực chất là giấy phép con nhằm hạn chế và thu hẹp hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân, tình trạng phí chồng phí làm phát sinh và gia tăng nghĩa vụ nợ của Quỹ Tín dụng nhân dân và các doanh nghiệp vay vốn.

Theo đại diện hiệp hội này, không vay được vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân, hộ kinh doanh dịch vụ, hợp tác xã tại địa phương không còn kênh vay vốn chính thống an toàn nào khác khi không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng. Không ít doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh dịch vụ, hợp tác xã tại địa phương phải tìm đến vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ và rủi ro rất cao để thu xếp vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh.

“Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành hữu quan cần phối hợp với các địa phương nghiên cứu tìm giải pháp phát triển mạng lưới quỹ tín dụng nhân dân; đồng thời bổ sung, sửa đổi hệ thống chính sách, gỡ bỏ các rào cản để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn từ kênh này”, ông Vĩnh kiến nghị.          

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ CNC (CNC Tech) lại cho rằng, bên cạnh câu chuyện tiếp cận vốn, khó khăn cố hữu nữa của doanh nghiệp tư nhân là cơ hội tiếp cận đất đai.

“Các doanh nghiệp tư nhân hiện nay có cơ hội tiếp cận ưu đãi về đất đai của Nhà nước ít hơn các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đây là một bất cập rất lớn khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vốn đã yếu thế và kém cạnh tranh lại càng khó có cơ hội để vươn lên phát triển”, ông Hùng bức xúc bày tỏ.

Nhận định về bức tranh của khu vực tư nhân, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã được gỡ bỏ nhiều rào cản để phát triển trong thời gian qua, song thực tế là họ vẫn gặp rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Dẫn ra số liệu tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng từ mức 6,9% trong năm 2010 lên mức 8,21% năm 2016, song ông Minh cho rằng, nếu so sánh với các khu vực kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhỏ bé.

“Mặc dù quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn rất nhỏ. Số doanh nghiệp tư nhân trong top đầu còn rất ít, đặc biệt là trong mảng công nghệ và sản xuất chế biến, vì những ngành này đòi hỏi đầu tư bài bản, đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển mạng lưới bên ngoài. Đây là những cái đang thiếu của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Minh nhận xét.

Vị chuyên gia dẫn chứng kết quả nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.

Cụ thể, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng khoảng từ 2,3 - 2,8 điểm phần trăm nếu đó là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Khu vực tư nhân cũng phải bỏ nhiều thời gian giải quyết các thủ tục hành chính hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Có tới 34,1% doanh nghiệp khu vực tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ là 14,7%.

Ngoài những khó khăn đặc thù như trên, theo ông Minh, khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp phải những thách thức tương tự các doanh nghiệp khác trong nước như về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn...

“Đây là những thách thức cần phải giải quyết để giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới”, ông Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, gợi ý về giải pháp tháo gỡ vướng mắc và rào cản này, vị chuyên gia cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh thì điều quan trọng là phải giúp doanh nghiệp tư nhân hiểu rằng khi doanh nghiệp đầu tư bài bản thì sẽ mang lại cho doanh nghiệp tư nhân nhiều lợi ích.             

Nhiều doanh nghiệp không mấy hứng thú với phát triển bền vững

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Sau hơn ba thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá.

Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của doanh nghiệp, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa, nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.

Để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, đòi hỏi cả từ hai phía cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững. 

Cần khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân ra đời

ThS. Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá

Với vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế tư nhân, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém của kinh tế tư nhân ở Việt Nam, cần tạo cơ chế để khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân ra đời và phát triển. Bởi các tập đoàn có tầm nhìn xa trông rộng, có thể làm đầu tàu dẫn dắt cuộc chơi, tạo thị trường và mạng lưới kinh doanh hay các chuỗi giá trị, để thành viên khác trong cộng đồng tìm thấy đường đi và cùng tham gia.

Cần sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động như ban hành các quy định về tính pháp lý, mô hình và nguyên tắc hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân, yêu cầu và tiêu chí về quy mô tổ chức, phương pháp tổ chức, các chỉ tiêu kinh tế tối thiểu.

Rà soát bãi bỏ các giấy phép kinh doanh không cần thiết, xây dựng hệ thống quan điểm mới, mô hình mới, các giải pháp ở tầm chính sách vĩ mô để xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn kinh tế tư nhân nói riêng.

Cần xây dựng, cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân trong đó có chính sách cụ thể cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tầm chiến lược lâu dài từ 15 - 20 năm. Đồng thời tăng cường các chính sách để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, vì việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để hình thành được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao gồm nơi đặt hàng, tạo nguồn cung sản phẩm...

Tin bài liên quan