Kinh tế chia sẻ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều giải pháp chọn lựa

Kinh tế chia sẻ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều giải pháp chọn lựa

Kinh tế chia sẻ: Mới mẻ nhưng không cấm

Dù trong thực tế quản lý, nhiều Bộ, ngành vẫn còn khá lúng túng, thậm chí khá thận trọng khi xây dựng những quyết sách liên quan đến các mô hình kinh tế chia sẻ, nhưng hầu hết các bộ ngành đều đánh giá cao giá trị của các nền kinh tế chia sẻ và hướng đến những khung pháp lý mang lại sự hài hoà lợi ích cho các bên tham gia.

Lợi ích gia tăng nhờ chia sẻ

Nếu như trên thế giới, mô hình kinh tế chia sẻ được triển khai, ứng dụng cho nhiều ngành nghề trong suốt 10 năm qua thì tại Việt Nam, mô hình này chưa thực sự phát triển mạnh, dù có rất nhiều tiềm năng.

Nhìn từ những ngành dịch vụ chính, có tính điển hình như các loại hình bán lẻ trực tuyến, lao động việc làm, vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở theo xu thế của AirBNB hay cho vay ngân hàng..., có thể thấy ngay những giá trị kinh tế khó có thể phủ nhận mà nền tảng kinh tế chia sẻ mang lại, với tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn lực có sẵn, bảo vệ môi trường, gia tăng tiện ích và cơ hội lựa chọn dịch vụ, sản phẩm cho người dùng….

Mô hình này cũng đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩu sự phát triển và cơ cấu lại bộ máy quản lý, điều hành trong sản xuất kinh doanh nói chung.

Với tầm nhìn mở, cấp tiến trong cuộc cách mạng 4.0 mà Thủ tướng Chính Phủ đã đề ra, từ góc độ quản lý vĩ mô, tại (theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 8/2/2018, Chính Phủ cũng thống nhất xây dựng mô hình về kinh tế chia sẻ. Theo đó, giao cho Bộ kế Hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự báo xu hướng thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2018.

Nên song hành, chia sẻ chứ không cấm

Tiếp cận và quản lý các mô hình kinh tế chia sẻ cũng được nhiều bộ ngành tích cực nghiên cứu với quan điểm “song hành, chia sẻ chứ không cấm”, để từ đó, tìm ra khung pháp lý tích cực nhất cho các bên tham gia. Điều này có thể thấy rõ trong quá trình thí điểm mô hình đặt xe công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải với điển hình là dự thảo Nghị định 86.

Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, Bộ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định lần thứ 7 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải. Trong đó, điểm gây tranh cãi và còn ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều là mô hình kinh tế chia sẻ, ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải. Bộ GTVT thừa nhận, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng 4.0 vào trong các lĩnh vực đời sống xã hội và ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ vân tải đường bộ là một vấn đề mới phát sinh và liên quan đến quy định của nhiều lĩnh vực khác như dân sự, thương mại, giao thông đường bộ, giao dịch điện tử...

Bên cạnh đó, đây là vấn đề không chỉ khó với Việt Nam mà là vấn đề khó với cả nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản… Do vậy, cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành và địa phương và việc xây dựng, bổ sung quy định mới thì cần có một quá trình nghiên cứu và hoàn thiện.

“Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, Bộ GTVT đã xác định đây là một nhiệm vụ khó và thường xuyên phối hợp cùng các Bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”- văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như giao thông vận tải, mô hình kinh tế chia sẻ mà trong đó việc xuất hiện của các ứng dụng gọi xe, giao nhận thức ăn như Grab, Go-Jek, Be hay Now là những điển hình còn rất mới mẻ, cả với thế giới. Trong đó, Bộ GTVT dường như là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên phải “đối đầu” với những ứng dụng này trong việc xây dựng cơ chế hoạt động và chính sách để quản lý. Đó cũng là lý do lý giải cho việc, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã phải trải qua 7 lần sửa chữa, và đây cũng thể hiện sự cầu thị, cẩn thận của Bộ GTVT. Bởi, Nghị định 86 là một trong những Nghị định có sức tác động, ảnh hưởng lớn tới dân sinh, xã hội.

Mới đây, tại báo cáo Chính phủ về Dự thảo Nghị định 86 lần thứ 7, Bộ GTVT cho biết, hiện vẫn có hai luồng quan điểm khác nhau về việc quản lý ôtô dưới 9 bằng hợp đồng điện tử là xe hợp đồng hay taxi. Dù kiến nghị Chính phủ quản lý xe hợp đồng ứng dụng công nghệ như taxi truyền thống, song Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc này sẽ có hạn chế nhất định.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, nếu quản lý xe hợp đồng ứng dụng công nghệ như taxi truyền thống là một thất bại, một bước lùi của vận tải. “Nếu buộc xe ứng dụng công nghệ phải gắn mào như taxi, có đồng hồ tính tiền… chỉ làm tăng thêm gánh nặng về chi phí cho lái xe mà không giúp ích gì cho quản lý Nhà nước. Khi đó, giá cước của xe ứng dụng công nghệ sẽ tăng, nhiều lái xe sẽ rời bỏ công việc có thu nhập khá hiện tại. Bản thân hành khách cũng không thích thú, vì không còn sự cạnh tranh về giá cũng như sự riêng tư”- một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải chia sẻ.

Theo đó, giải pháp mang tính “lối thoát” cho việc quản lý xe ứng dụng công nghệ là có thể yêu cầu các xe này lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ; không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải…

Tin bài liên quan