Thu hoạch càphê nhân của Đắk Lắk. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thu hoạch càphê nhân của Đắk Lắk. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Kim ngạch xuất khẩu của Tây Nguyên đạt cao nhất từ trước đến nay

Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên ngày càng đa dạng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng.
Chỉ riêng năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2,662 tỷ USD, đạt gần 102% so với kế hoạch và tăng 22,71% so với năm 2016. 

Đây cũng là năm các tỉnh Tây Nguyên đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất so với từ trước đến nay. 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các tỉnh Tây Nguyên là càphê, hồ tiêu, cao su, alumin, mật ong, tinh bột sắn, hạt điều, rau, hoa tươi. Đắk Lắk là địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với trên 575 triệu USD, đạt 100,9% kế hoạch năm và tăng 4,55% so với năm 2016. 

Sản phẩm xuất khẩu của Đắk Lắk là càphê nhân, càphê hòa tan, hạt tiêu, cao su, tinh bột sắn, mật ong…

Hiện nay, cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu sang 75 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 36 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD trở lên; trong đó, có 10 thị trường, gồm Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italy, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Mexico, Thụy Điển đạt kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên. 

Ngoài xuất khẩu càphê nhân, các tỉnh Tây Nguyên cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sâu càphê để góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm càphê, cây nông sản có sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của vùng Tây Nguyên. 

Ngay tại Đắk Lắk hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Nguyên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Càphê Ngon… đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến càphê bột, càphê hòa tan để xuất khẩu. 

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hoặc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng mở rộng hình thức bán hàng trực tiếp cho các bạn hàng lớn, người tiêu thụ cuối cùng tại các quốc gia trên thế giới… 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các mặt hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô nên giá trị gia tăng đạt thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. 

Cụ thể, ngay tại Đắk Lắk, vùng trọng điểm càphê, hồ tiêu của cả nước nhưng hàng năm cũng xuất khẩu thô từ 215.000 tấn càphê nhân, trên 4.800 tấn hạt tiêu, trên 5.000 tấn mủ cao su…
Tin bài liên quan