Kiên Giang, Thái Bình… và câu chuyện “trải thảm đỏ”

Việc một tên tuổi không mấy nổi trội về thu hút đầu tư như Kiên Giang lọt vào top 3 trong Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2013, hay sự vượt lên âm thầm của Thái Bình, qua mặt Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương… khiến không chỉ các tỉnh lân cận, mà cả các trung tâm kinh tế lớn phải nhìn lại mình.
Kiên Giang, Thái Bình… và câu chuyện “trải thảm đỏ”

Dường như sự nổi lên của những tên tuổi mới trong con mắt của cộng đồng doanh nghiệp về cách thức điều hành kinh tế địa phương – nội dung chính của chỉ số PCI – đang xóa mờ khá nhiều điểm yếu về hạ tầng, nguồn nhân lực… vốn chưa dễ cải thiện ngay của các địa phương được cho là kém hấp dẫn hơn trên bản đồ thu hút đầu tư.

Đổi lại, sự cải thiện mạnh mẽ về chi phí thời gian, chi phí không chính thức, sự cạnh tranh bình đẳng và tính năng động trong điều hành của lãnh đạo các địa phương này đã tạo nên sức hút mới mà các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Thử phân tích bức tranh tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thể thấy sự bứt phá khá mạnh mẽ và đồng đều của các tỉnh vùng tiếp giáp TP. Cần Thơ, TP.HCM (bao gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre) và các tỉnh ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh). Trong khi đó, các địa phương được xác định là có lợi thế hơn, bứt phá trước, thậm chí là các tỉnh kinh tế trọng điểm của Vùng, như TP. Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Hậu Giang, lại đang có sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng so với những năm trước.

Điều đáng nói là, đã có sự lan tỏa giữa các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong vận dụng những thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế khi các tỉnh trong vùng đứng đầu hầu hết các chỉ số thành phần của PCI. Đây cũng chính là cơ sở để Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số PCI tốt nhất cả nước cũng như đưa khu vực trở thành một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn…

Xu thế này cũng thể hiện trong xếp hạng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cho dù các tỉnh gần TP.HCM vẫn còn hấp dẫn, song các nhà đầu tư đang chuyển dịch mạnh tới các địa phương xa hơn, tạo nên sự vượt của Tiền Giang, thay Long An ở vị trí số 1 và Kiên Giang giữ vị trí thứ 3 trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Trà Vinh và Bến Tre cũng đang là những gương mặt mới nổi.

Điều này chưa thấy rõ ở các khu vực kinh tế khác. Thậm chí, tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, bức tranh PCI của 11 tỉnh khá rời rạc, với 1 tỉnh thuộc nhóm rất tốt, 1 tỉnh thuộc nhóm tốt, 6 tỉnh thuộc nhóm khá, 2 tỉnh trung bình và 1 tỉnh thuộc nhóm tương đối thấp. Trong top 10 PCI năm 2013, vùng này chỉ đóng góp duy nhất một gương mặt, đó là Quảng Ninh.

Tất nhiên, sự nổi lên của các tên tuổi mới vẫn chưa đủ mạnh để tạo nên các cuộc đổi ngôi. Thậm chí, sau vài năm tụt hạng, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng đều thăng hạng. Đà Nẵng duy trì được ngôi vị hàng đầu. TP. Cần Thơ cũng lần đầu lọt vào top 10 PCI năm 2013… Điều đáng nói là, với quy mô kinh tế vốn có và sự thuận lợi về cơ sở hạ tầng, một bước cải thiện nhỏ của các trung tâm kinh tế này sẽ tác động rất lớn tới các địa phương xung quanh, thậm chí có thể kéo tụt vị trí trên bảng xếp hạng thu hút đầu tư của các địa phương này.

Chính vì vậy, nói như lãnh đạo một số tỉnh đang có sự bứt phá mạnh, chỉ số PCI là thước đo, là phương tiện hỗ trợ cải cách, hỗ trợ quản lý và điều hành ở địa phương, chứ không phải là tấm bảng biểu dương thành tích của địa phương. Chỉ khi nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh được xác định là công việc thường nhật, liên tục của chính những người trong guồng máy hành chính, quản lý địa phương, thì những cuộc đua ganh trên bảng xếp hạng mới không phải là hình thức, nhất thời và không có sự cát cứ địa phương…

Tin bài liên quan