Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải kiên định đường lối Đổi mới”. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải kiên định đường lối Đổi mới”. Ảnh: TTXVN

Kiên định Đổi mới để tránh tụt hậu

Kiên định đường lối Đổi mới, thậm chí là đổi mới đồng bộ và toàn diện hơn nữa để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Đó là điều đã được khẳng định tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra sáng qua (21/1/2016) tại Hà Nội.

Gọi 30 năm Đổi mới vừa qua là “một giai đoạn quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước”, với “nhiều thành tựu mang ý nghĩa lịch sử”, song Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, khi trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã khẳng định rằng, thời kỳ mới đang đòi hỏi phải phát triển đồng bộ và toàn diện hơn về hơn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại.

“Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa con người là nền tảng tinh thần, tăng cường quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và cho rằng, nhìn tổng thể 30 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng đồng thời cũng vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém cần tập trung khắc phục để tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn. 

“Phải kiên định đường lối Đổi mới”, Tổng Bí thư khẳng định.

Phải tiếp tục Đổi mới, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, thời cơ và vận hội mới mở ra có thể rất lớn, khi Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN, một khu vực phát triển năng động và cơ hội hợp tác rộng mở, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…, song thách thức, khó khăn vẫn còn rất lớn. Đặc biệt là 4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, nhất là xu hướng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Việc Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế chậm được khắc phục”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận.

Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ tiếp tục Đổi mới toàn diện và đồng bộ, trước hết trên khía cạnh kinh tế, theo hướng nào? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu của mình, cũng đã khẳng định việc cần tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo và quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả quy luật của kinh tế thị trường. Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức canh tranh…

Trên thực tế, đây cũng chính là các điểm mới trong Văn kiện trình Đại hội, mà các đại biểu sẽ tập trung thảo luận trong hai ngày (22 và 23/1/2016). Đây cũng là những vấn đề mà trong thời gian qua, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

“Chúng ta đều nhận thấy rằng, những động lực giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua, như khai thác tài nguyên, tăng đầu tư… đang dần dần thu hẹp dư địa. Bởi vậy, không chỉ vì tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, mà còn do cấu trúc nội tại của nền kinh tế không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới. Do đó, cải cách thể chế kinh tế để tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế là đòi hỏi khách quan và cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, một thành tựu xuyên suốt 30 năm Đổi mới vừa qua, đó là chúng ta đã chuyển đổi được một nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng để nói rằng Việt Nam đã có kinh tế thị trường đầy đủ, thì câu trả lời là chưa. “Vì vậy, phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bởi đây kinh tế thị trường chính là tinh hoa của nhân loại. Chúng ta phải xây dựng được nhân tố thị trường một cách đầy đủ hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Việc Nhà nước tham gia quá sâu vào nền kinh tế bằng các mệnh lệnh hành chính là điều mà lâu nay đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Văn kiện Đại hội Đảng XII lần này cũng đã thừa nhận việc Nhà nước còn can thiệp trực tiếp quá lớn trong nền kinh tế. Có tình trạng này, theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, là do sự chậm đổi mới nhận thức về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

“Trong điều kiện lực lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân còn non yếu, trước sức ép hội nhập cạnh tranh gay gắt, Nhà nước còn phải đóng vai trò ‘bà đỡ’ cho thị trường, chứ không làm thay thị trường”, TS, Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm.

Sẽ còn nhiều vấn đề cần được thảo luận liên quan đến các nội dung của Văn kiện Đại hội, trong đó có hai vấn đề mấu chốt là cải cách thể chế kinh tế thị trường và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tìm được lời giải đáp chuẩn xác sẽ giúp Việt Nam có chủ trương, đường lối tốt để tiếp tục thực hiện công cuộc Đổi mới.

“Đại hội lần thứ XII của Đảng là Đại hội đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới, khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thực tiễn sinh động, phong phú và những thành tựu to lớn cùng những bài học sâu sắc qua 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, dân tộc. Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Tin bài liên quan