Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Việt Nam đã tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 quốc gia

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Việt Nam đã tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 quốc gia

Kiên định cải cách, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ mạnh hơn

(ĐTCK) Quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong nỗ lực cải cách nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng.

Chính phủ đã và đang hành động

Ngay từ ngày đầu tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP, sớm hơn nhiều so với các Nghị quyết 19 trước đây, thường được ban hành đầu tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm. Nội dung của Nghị quyết 19 lần này đã mở rộng nội dung cải cách, không chỉ giới hạn ở môi trường kinh doanh, mà bao gồm lĩnh vực khác: năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo và Chính phủ điện tử.

Khác với “nghị quyết truyền thống” thường có nội dung chung chung, Nghị quyết lần này rất chi tiết, cụ thể, bao gồm: 56 trang, với khoảng 18 trang lời văn và gần 30 trang phụ lục chỉ rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cho từng bộ, ngành với tổng cộng khoảng 250 nhiệm vụ cụ thể.

Tiếp theo đó, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 35 tiếp tục thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính; yêu cầu đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các thủ tục, quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ thực hiện.

Và gần đây nhất, Nghị quyết 83/NQ-CP và Nghị quyết 98/NQ-CP đã có nhiều nội dung nhấn mạnh đến cải cách hệ thống qui định về điều kiện kinh doanh nhằm giảm rào cản và gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Các nghị quyết này đã đề ra một loại giải pháp nhằm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả cải cách đáng ghi nhận

Các nỗ lực cải cách nói trên đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Việt Nam đã tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 quốc gia; điểm số tuyệt đối cũng tăng từ 4,3 điểm năm 2016 lên 4,4 điểm năm 2017. Đáng chú ý, một số điểm chỉ số thành phần đã có sự cải thiện lớn, đó là thị trường tài chính tăng 7 bậc (từ 78/138 lên 71/137), chỉ số sẵn sàng công nghệ tăng 13 bậc (từ 92/138 lên 79/127), chỉ số sáng tạo tăng 2 bậc (từ 73/138 lên 71/137).

Chưa kể, ngày 31/10/2017, Ngân hàng Thế giới công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018, theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82). Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Điểm số chung tăng 2,85 điểm phần trăm.

Kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Đáng ghi nhận nhất đó là các chỉ số về nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167). Tiếp cận điện năng với thứ hạng 64/190 nền kinh tế (tăng 32 bậc). Chỉ số cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 20/190, cải thiện 4 bậc so với năm ngoái (thứ hạng 24) - đây là chỉ số xếp hạng cao nhất của nước ta.

Có thể nói, sự tăng hạng của các chỉ số môi trường kinh doanh đã đền đáp cho quyết tâm của Chính phủ, đồng thời cũng là sự ghi nhận nỗ lực cải cách của các bộ, ngành có liên quan. Ví dụ, cải thiện chỉ số nộp thuế và bảo hiểm là sự cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, tác động tích cực của cải cách đến cộng đồng doanh nghiệp phần nào thể hiện thông qua việc cả nước có 105.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.021.920 tỷ đồng trong 10 tháng vừa qua, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Những điểm sáng từ sự chủ động của các bộ, ngành

Một điều đáng ghi nhận trong tổ chức thực hiện chương trình cải cách của Chính phủ là sự chủ động, tích cực của các bộ ngành có liên quan – vốn là điểm yếu, điểm hạn chế của cải cách trong nhiều năm qua.

Năm nay, các bộ đã và đang tiến hành rà soát để cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý một cách rất tích cực. Một số bộ đã đi tiên phong và làm tốt cải cách này, điển hình là Bộ Công thương công bố kết quả rà soát và cắt giảm điều kiện từ tháng 9, trong đó có kế hoạch cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh các loại, chiếm hơn 50% tổng số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương.

Một số bộ tích cực khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải... đã công bố kết quả cắt giảm và đã đạt chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu là hơn 1/3 tổng số điều kiện kinh doanh. Chưa kể, nhiều bộ đang tích cực rà soát và đã có kết quả ban đầu (mặc dù chưa công bố công khai) như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng.... Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý sẽ là những cải cách thiết thực, giúp giảm chi phí, rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp.

Vẫn cần cải cách mạnh hơn

Những quyết tâm, nỗ lực và giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ đang cho thấy tính đúng đắn và đã đạt được những kết quả nhất định. Nếu tiếp tục kiên định chính sách cải cách đã đề ra với nỗ lực lớn hơn và quyết tâm cao hơn nữa thì doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ mạnh hơn.

Mặc dù vậy, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào tháo gỡ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian tuân thủ trong các thủ tục có liên quan gia nhập thị trường. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Nhìn trên bình diện rộng hơn, bất cập của hệ thống quy định pháp luật, bao gồm phần lớn quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi gia nhập thị trường đang làm gia tăng rủi ro, hạn chế sáng tạo, gia tăng chi phí và tác động bất lợi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyền tài sản chưa được bảo vệ tốt.

Ví dụ, về độ an toàn quyền sử hữu trí tuệ, theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 88/128 quốc gia, tức là ở mức độ kém. Ngoài ra, khi nói đến thị trường, không thể không nói đến yếu tố cạnh tranh. Chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng là điều sống còn của một nền kinh tế thị trường, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặc dù năm vừa qua, trong báo cáo xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam tăng 5 bậc từ 60/138 lên thứ 55; tuy nhiên, các chỉ số về chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh chỉ số của Việt Nam rất thấp. Chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 78/138 quốc gia, chính sách chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 94/138.

Như vậy, trong thời gian tới, một mặt cần tiếp tục thực hiện những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, mặt khác, cần nâng cao toàn diện chất lượng của quy định về kinh doanh, tiến tới cắt giảm quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, hoàn thiện chính sách cạnh tranh và thực thi tốt pháp luật về bảo vệ quyền tài sản.

Vai trò của doanh nghiệp ở đâu?

Cải cách của Chính phủ sẽ không thể thành công nếu thiếu sự hợp tác và thiếu tích cực thực hiện từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Trong công cuộc này, doanh nghiệp có hai vai trò đáng lưu ý. Thứ nhất, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát hiện những bất cập từ thực tiễn kinh doanh của mình; đồng thời kiến nghị Chính phủ giải pháp giải quyết.

Quan sát trong thời gian vừa qua, để phát huy hơn nữa vai trò này, doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng kiến nghị, phản biện; chủ động hơn nữa và phối hợp với hiệp hội để các kiến nghị không còn đơn thuần mang tính chất tự phát, mà phải chuyên nghiệp, chất lượng và có chiến lược hơn. Cộng đồng doanh nghiệp cần hưởng ứng với mong muốn của Thủ tướng Chính phủ là đồng lòng nói không với chi phí không chính thức.

Thứ hai là cùng với tiến triển của cải cách, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng cao. Doanh nghiệp cần phải tự chủ động, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biêt, cần có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, nhất là nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ chữ tín trong kinh doanh. Chưa kể, doanh nghiệp cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn; thay bằng tư duy chuyên nghiệp và là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế.

Kiên định cải cách với tư duy mới, nhất định doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ mạnh hơn. 

Tin bài liên quan