Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch”

Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch”

(ĐTCK) Dù dịch Covid-19 có thể được khống chế trong quý I hay kéo dài tới quý II, kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn chống đỡ với “bệnh nặng”, đòi hỏi cấp thiết các giải pháp để giảm thiểu tác động và tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp.

Lượng hóa tác động chùm

Một tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý I thì các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giảm 250 - 300 triệu USD.

Dịch kéo dài sang quý II thì kim ngạch xuất khẩu riêng ngành hàng này sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm có thể giảm tới 800 triệu USD. Đó là chưa kể tới các tác động như biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật mới ở nhiều thị trường quốc tế.  

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế chiều 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và cần đặt mục tiêu tái cơ cấu, hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.

"Ngoài chống và đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta phải chống loại virus nữa là virus trì trệ, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh mà không hành động", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, sẽ tính toán cụ thể những chính sách đưa ra để kích cầu, giảm phí, lệ phí, lãi suất trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ với cách làm bình thường sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác, nên Thủ tướng yêu cầu "phải phấn đấu cao hơn, với giải pháp cụ thể, kịp thời và thích ứng tốt hơn nữa".

Với ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, đơn cử sản xuất bia, ngoài tác động từ Nghị định 100/2019/CP-NĐ xử phạt việc uống rượu bia khi lái xe, thì dịch bệnh khiến nhiều nhà hàng, quán xá vắng hoe, tiêu dùng giảm mạnh tiếp tục là “đòn đánh mạnh”. Ngay trong tháng 1, giá trị sản xuất đồ uống ghi nhận giảm 2,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 8%.

Các ngành như dệt may, da giày, tác động trong tháng 2 là chưa rõ rệt, vì doanh nghiệp thường dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết. Tuy nhiên, từ tháng 3 trở đi, khi đã sử dụng hết phần dự trữ trong kho thì sao?

Điều này đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh, nếu không có giải pháp kịp thời nối liền chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đang bị đứt gãy, họ có thể phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

“Công nhân nghỉ chờ việc, doanh nghiệp vẫn phải trả lương, đó sẽ là một gánh nặng rất lớn”, tổng giám đốc một công ty lo ngại.

Chịu tác động trực diện và nặng nề là ngành du lịch. Khách Trung Quốc đến Việt Nam quý I/2019 khoảng 1,45 triệu người, trong tháng 1/2020 là 644.000 người.

Nhưng hiện tại, không có khách Trung Quốc, còn lượng khách từ các quốc gia khác giảm khoảng 50 - 60%. Bình quân 1 khách Trung Quốc đến Việt Nam chi tiêu khoảng 743,6 USD, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu 1.141,5 USD.

Theo đó, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD; nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ vào khoảng 5 tỷ USD.

Tổng hội Tư vấn Du lịch còn tính toán, nếu dịch kéo dài đến quý II, Việt Nam có thể chịu thiệt hại lên tới 15 tỷ USD, tính cả doanh thu các ngành gián tiếp từ du lịch.

Thực tế trên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lớn còn có khả năng chống chịu dài, có khả năng vượt qua tháng 3, tháng 4... nếu dịch chưa được khống chế, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có vốn, không có khả năng sản xuất đang rất nguy ngập.

Đây chính là nội dung của cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 12/2. Trước cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp và tổng hợp ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, đồng thời Bộ xây dựng 2 kịch bản kinh tế để báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, thảo luận (xem đồ họa).

Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” ảnh 1

Hành động để chủ động

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là lúc để nhìn nhận nền kinh tế đang ở mức độ nào, sức chống chịu ra sao, mức độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc... 

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, đề xuất một loạt giải pháp.

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...

Thứ hai, Bộ Tài đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch.

Chẳng hạn, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ ba, các bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc;

Các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh do dịch;

Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp; các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Thứ tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; tạo điều kiện cụ thể về chính sách để các công trình lớn đã được hoàn thành trong năm 2019 được phát huy tối đa công suất thiết kế, tạo thêm động lực tăng trưởng cho năm 2020.

Các giải pháp dài hơi hơn như thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, cũng cần được triển khai sớm.

Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế

Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” ảnh 2

Tháng 1 có thể nói nền kinh tế và doanh nghiệp chưa chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, tháng 2 dự trữ nguyên vật liệu của doanh nghiệp còn, nhưng sau đó mới đáng nói, tác động sẽ phản ánh kéo dài, cả trong quý III, quý IV.

Chúng ta cần đánh giá sâu tác hại, mất mát của doanh nghiệp, nông dân...

Cần lượng hóa được các con số về giảm doanh thu, chi phí tăng, thua lỗ, dòng tiền của doanh nghiệp để chia sẻ với họ. Việc chia sẻ nên được thực hiện ngay từ bây giờ.

Thực tế, tác động của dịch bệnh tập trung ở một số địa phương, chứ không hẳn địa phương nào cũng như vậy, bởi vậy cần đánh giá đúng mức độ, đúng đối tượng để nếu cần có chính sách giảm, giãn thuế loại doanh nghiệp nào, địa phương nào, tương tự là với người nông dân.

Chính phủ cần chuẩn bị ngay gói hỗ trợ để thực hiện từ quý II. Nên làm rõ 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất là hỗ trợ các nhóm đối tượng bị tác động để họ chống chịu, có thể duy trì được để hết dịch quay lại hoạt động.

Thứ hai là nhóm giải pháp để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là không điều chỉnh tăng trưởng.

Chẳng hạn, nếu các tính toán cho thấy dịch bệnh sẽ khiến GDP mất 1% điểm tăng trưởng thì giải pháp bù lại ở đây là gì? Muốn đạt được con số này thì giải pháp cần phải đặc biệt và khác biệt, nếu vẫn như hiện hành thì chắc chắn chúng ta không đạt được mục tiêu.

Ví dụ, quy định của ngân hàng là một dự án chỉ được vay tối đa số tiền A, nhưng nếu dự án được Chính phủ đặc biệt ưu tiên thì phải được vượt mức đó.

Tôi lấy một ví dụ như vậy để thấy nếu chúng ta vẫn đều đều tuân thủ các trình tự thủ tục như hiện nay thì không có được tăng trưởng 6,8% GDP.

Tôi muốn nhấn mạnh là các giải pháp hỗ trợ phải làm ngay, trong lúc có dịch, chứ không phải chờ đến khi hết dịch mới làm, muốn duy trì tăng trưởng thì cần làm ngay.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam

Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” ảnh 3

Báo cáo Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu do PwC thực hiện và công bố mới đây cho thấy, các CEO không mấy tích cực về triển vọng của công ty mình trong năm tiếp theo, chỉ 27% các CEO cho biết, họ đang “rất tự tin” về tăng trưởng 12 tháng tới - mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2009 và suy giảm so với con số 35% của năm ngoái.

Những dự báo của các CEO kể từ năm 2008 cho thấy, có mối tương quan mật thiết giữa niềm tin của các CEO đối với tăng trưởng doanh thu 12 tháng của doanh nghiệp và tăng trưởng thực tế đạt được của nền kinh tế toàn cầu.

Theo phép phân tích này, tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại tại mức 2,4% vào năm 2020, thấp hơn so với các ước tính, trong đó có dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về mức tăng trưởng 3,4% toàn cầu hồi tháng 10/2019.

Tuy vậy, báo cáo cũng cho thấy sự lạc quan chung giữa các CEO Việt Nam và trong khối APEC về triển vọng phát triển trong năm tới, khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến và là nguồn đầu tư nước ngoài hấp dẫn, thêm vào đó là tăng trưởng vững vàng của thị trường nội địa các quốc gia trong khu vực.

Song trong bối cảnh những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt và thức thời về các nhân tố ảnh hưởng để sẵn sàng đối phó và thích ứng với những thách thức trong tương lai.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” ảnh 4

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nên được xem xét, xây dựng dựa theo từng nhóm mục tiêu và mức độ lan tỏa.

Chẳng hạn, nhóm giải pháp vĩ mô (vừa hạn chế dịch, vừa lan tỏa ra các ngành kinh tế), cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước...

Nhóm giải pháp chính sách tiền tệ vừa chịu tác động cung cầu trên thị trường, vừa được điều tiết dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tiền tệ. Nhóm chính sách tài khóa liên quan đến giãn, giảm thuế, cân đối thu chi ngân sách...

Tôi nhớ, hồi những năm 2009, khi chúng ta thực hiện các gói kích cầu, không chỉ dự án lớn, mà hàng trăm dự án nhỏ, đầu tư hạ tầng được triển khai, hưởng lợi, lan tỏa đến tổng thể cả nền kinh tế.

Bên cạnh nhóm giải pháp vĩ mô, cần chính sách cho từng lĩnh vực cụ thể, ưu tiên trước mắt là các nhóm lao động không có việc, nông dân mất việc.. Rồi nhóm giải pháp với các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế để người công nhân yên tâm làm việc; thông quan hàng hóa ở cửa khẩu...

Về cơ bản, các doanh nghiệp cho biết, họ cầm cự được hết tháng này, vì vậy các giải pháp cần được xem xét, đề xuất để đặt lên bàn Thủ tướng ngay trong tháng 2 mới hy vọng tháng 3 thực hiện được.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” ảnh 5

Dự báo, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi trên tất cả địa phương; biến đổi khí hậu, hạn hán, an ninh nguồn nước.

Ngoài ra, nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài nên mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình, biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới, cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trên thế giới tạo sức ép lên nền kinh tế Việt Nam.

Trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa hoàn toàn kiểm soát được thì lại xuất hiện dịch Covid-19. Cần phải nhìn nhận, dịch này nguy hiểm hơn dịch SARS trước đây, nên chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, nếu dịch diễn ra càng lâu thì sẽ ảnh hưởng càng lớn tới nhu cầu tiêu dùng, sản xuất.

Có thể thấy rõ tác động giảm nhu cầu tiêu thụ đối với hai mặt hàng nông sản đang vào vụ hiện nay là thanh long, dưa hấu, do đình trệ giao thương, khiến giá giảm mạnh.

Tác động của dịch cúm Corona còn ảnh hưởng trực tiếp tới các mặt hàng xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng chủ lực như dệt may và da giày.

Do Việt Nam phải nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu từ Trung Quốc nên mức độ bị tác động ra sao sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của nước này. Giảm xuất khẩu đương nhiên tác động kéo giảm tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng thiết yếu và có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh như xăng dầu, thời gian gần đây giảm giá do dịch cúm khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển giảm, trong khi lượng dự trữ dầu tăng lên.

Ngoài ra, không ít mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm giá, trong khi giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp. Đây là những yếu tố giúp làm giảm chỉ số giá tiêu dùng trong quý đầu năm, thậm chí là quý II, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi suất dự báo cũng sẽ có xu hướng giảm vì hiện nay nguồn tiền huy động ngân hàng giảm, tình hình sản xuất giảm nên khả năng cũng sẽ phải điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đồng thời để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Các nước tung ra giải pháp hỗ trợ kinh tế

- Trung Quốc bơm ra thị trường hơn 240 tỷ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản; yêu cầu các tổ chức tài chính duy trì cho vay đối với các công ty nhỏ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh; khuyến khích cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn, rút ngắn thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay trong vòng hai ngày để các doanh nghiệp liên quan chống chọi với ảnh hưởng của dịch; trì hoãn thanh toán các khoản vay; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay, cung cấp các khoản vay mới cho các công ty có thanh khoản thấp; cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp; Bắc Kinh và Tô Châu cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn lệ phí hành chính, giảm tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

- Thái Lan hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

- Singapore dự kiến công bố gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vào ngày 18/2/2020. Trước đó, nước này đã công bố miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn.

- Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế.

- Philippines cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm.

Tin bài liên quan