Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

(ĐTCK) Sáng 6/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, trong thời gian qua, các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn đã tạo thêm sản phẩm, sức sản xuất và động lực cạnh tranh mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hướng tới sản xuất các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

“Việc ban hành Nghị định và các thông tư hướng dẫn được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn, là động lực mạnh mẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh.

Doanh nghiệp là chủ thể chính trong thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Đồng thời, cũng là nguồn lực trụ cột, đóng góp lớn vào sự thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đang đảm nhiệm vai trò của kinh tế hộ, không còn phù hợp trong sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, hướng đến công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hội nghị cũng đã giới thiệu về Nghị định 210 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các thông tư hướng dẫn. Đại diện Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Nghị định này quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiêp, nông thôn. Nghị định này sẽ áp dụng đối với nhà đầu tư nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ đầu tư gồm: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc ca (macadamia); hỗ trợ đầu tư nuôi trồng hải sản trên biển; hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê; hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, các địa phương đã có các trao đổi, tham gia ý kiến về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai trong thực tế, như: Các địa phương chưa cân đối thu chi ngân sách, còn phải nhận sự hỗ trợ của Trung ương sẽ khó khăn trong việc thực hiện quy định bố trí vốn ngân sách từ 2-5% hàng năm để hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; một số quy trình, thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Thông tư 05 cần làm rõ, nhất là vấn đề quy mô dự án, phân cấp lựa chọn dự án để hỗ trợ; việc thẩm định nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương; quy trình, thủ tục thanh quyết toán các khoản hỗ trợ; cần làm rõ và chi tiết về danh mục cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, chế tạo thiết bị được hỗ trợ theo Thông tư số 43 và danh mục giống vật nuôi cao sản được hỗ trợ nhập khẩu theo Thông tư số 14; những thuận lợi, khó khăn cụ thể của các địa phương hiện nay khi thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp…

Tin bài liên quan