Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh.

Khủng hoảng thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang được đẩy lên đỉnh điểm, dấy lên sự lo ngại về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng và cần làm gì để tận dung các cơ hội từ sự dịch chuyển hàng hóa và dòng vốn đầu tư từ các nước bị tác động? Báo Đầu tư xin giới thiệu bài viết của GS-TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM về vấn đề này.

Khối lượng mậu dịch và các giao dịch giữa Trung Quốc với khu vực ASEAN từ giữa tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 tăng 66%, còn tính chung cho cả châu Á, tỷ lệ này là 26%. 

Châu Á hiện là khu vực có khối lượng mậu dịch tăng hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Theo đánh giá của nhiều tổ chức thương mại, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập hàng nông sản từ Mỹ, mà tìm đến các thị trường khác để mua.

Đây cũng là cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam, chẳng những hướng đến thị trường rộng lớn Trung Quốc, mà còn đến các thị trường tiềm năng khác ở các quốc gia châu Á dễ tính hơn thị trường các nước phát triển. 

Cuộc chiến thương mại còn ảnh hưởng đến các sản phẩm công nghệ cao, chẳng hạn cơ sở của Apple của Mỹ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và là thời cơ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung có cơ sở chính ở Việt Nam tăng tốc.

Ngoài ra, các công ty đa quốc gia cũng phải tính toán lại các chiến lược của mình, khi họ cân nhắc có thể dời cơ sở khỏi Trung Quốc để chuyển sang một quốc gia khác.

Nhìn chung, một khi cuộc chiến thương mại diễn ra, dòng chảy thương mại và đầu tư sẽ được phân bổ lại. Chúng sẽ chảy ra khỏi một nơi và tìm đến một nơi khác.

Vấn đề là dòng chảy đó đến đâu. Cải cách thể chế, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tận dụng tối đa những gì đang diễn ra từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.    

Cải cách thể chế, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội.
Chiến tranh thương mại có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh khác là chiến tranh tiền tệ.

Không cần đến khi nó diễn ra, chúng ta đã thấy cuộc chiến phá giá tiền tệ giữa các cường quốc để tranh giành thị trường xuất khẩu thế giới vốn đã bị bão hòa từ nhiều năm nay. Có chăng chúng sẽ còn tăng tốc mạnh hơn nữa một khi cuộc chiến thương mại chính thức bắt đầu, để các quốc gia bù lại những sụt giảm trong tăng trưởng.

Riêng Việt Nam, dứt khoát phải chọn một con đường khác hoàn toàn. Xin đừng lạc quan với các thống kê hay các kỹ thuật kinh tế lượng 1% tăng tỷ giá làm gia tăng bao nhiêu % trong xuất khẩu và GDP.

Từ lý thuyết đến thực tiễn, tỷ giá chưa bao giờ là giải pháp cho nền kinh tế thực. Điều chỉnh tỷ giá USD/VND với mục đích hỗ trợ cho xuất khẩu hay để bù lại cho những sụt giảm trong thương mại, nếu có, cũng chỉ có tác động trong vài tháng, để rồi mọi việc đâu lại vào đấy mà rủi ro và bất định thì không biết đâu mà lường.

Phản ứng chính sách hợp lý nhất trong bối cảnh này là Ngân hàng Nhà nước phải khẳng định tỷ giá chỉ có điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu và hướng về thị trường linh hoạt hơn.

Những động thái ỡm ờ, không dứt khoát sẽ khiến cho thị trường hoang mang thêm nữa.

Hiện các thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đầy rẫy những câu chuyện tiêu cực từ “cuộc chiến kép” chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ đã khiến các nhà đầu tư mất phương hướng, nay nếu tỷ giá USD/VND được cố tình điều chỉnh tăng chỉ với mục đích xuất khẩu sẽ không khác gì một cú sốc trời giáng khác do chính mình tự tạo ra.

Cuối cùng, một nền kinh tế vận hành tốt là nhờ có cái neo danh nghĩa. Cái neo danh nghĩa đó chính là mức lạm phát mục tiêu mà Chính phủ luôn cam kết ở mức 4%.

Diễn biến lạm phát 6 tháng đầu năm tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã có dấu hiệu tăng tốc đáng ngại cho những tháng còn lại của năm 2018.

Ngay từ lúc này, Chính phủ phải ra những thông điệp thật mạnh mẽ và hơn thế, phải có những giải pháp thật cụ thể để giữ lạm phát trong mục tiêu cho phép.

Cuộc chiến tranh thương mại lúc ban đầu tuy không tác động trực tiếp đến Việt Nam, nhưng nếu như cái neo lạm phát đứt dây, con thuyền kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ bị nhấn chìm bởi sóng dữ.

Tin bài liên quan