Khu vực tư nhân sẽ là động lực chính tích cực cải thiện tương lai của ASEAN

Khu vực tư nhân sẽ là động lực chính tích cực cải thiện tương lai của ASEAN

(ĐTCK) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, PwC đã đưa ra Báo cáo  “Tương lai của ASEAN – Thời khắc hành động” đưa ra cái nhìn chuyên sâu về những thay đổi mạnh mẽ mà ASEAN đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các chính phủ và doanh nghiệp có thể đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.

Khuyến nghị đưa ra thông qua những chiến lược mới và sáng tạo trong 7 lĩnh vực: sản xuất ô tô, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, lọc dầu, viễn thông và giao thông vận tải.

Báo cáo tìm hiểu cách ASEAN có thể vượt qua được giai đoạn tăng trưởng thụ động và triển khai các biện pháp chủ động hơn để tiếp tục thu hút đầu tư, xây dựng thể chế và phát triển con người cũng như năng lực công nghệ.

Theo ông David Wijeratne, Lãnh đạo Trung tâm Thị trường tăng trưởng của PwC, khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện triển vọng tăng trưởng của ASEAN trong những năm tới. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn với các chính phủ để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

“Chúng tôi nhận thấy khu vực tư nhân đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trên một số lĩnh vực tại ASEAN. Tuy nhiên, đứng trước sự năng động và những thách thức của ASEAN, cũng như những nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng tại đây, các doanh nghiệp sẽ cần triển khai những chiến lược sáng tạo để đạt được thành công”, ông David Wijeratne nhận định.

Theo ông David Wijeratne, các chiến lược này có những nội dung tương đồng như:

Nội địa hóa: Chuyển đổi sang nội địa hóa nguồn cung ứng, hoạt động sản xuất, hoạt động bán hàng thông qua việc xây dựng các trung tâm khu vực để phục vụ người tiêu dùng trong ASEAN.

Số hóa: Ứng dụng các năng lực kỹ thuật số để nâng cao chất lượng sản xuất và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, cũng như giao tiếp với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Đối tác và liên minh: Xây dựng các quan hệ đối tác và liên minh, đặc biệt theo hướng liên ngành và có ứng dụng các công nghệ mới (ví dụ Fintech – công nghệ tài chính). Qua đó, các công ty sẽ bắt kịp được với thời đại, giữ được tính cạnh tranh và đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng mà vẫn tăng trưởng được về lợi nhuận.

“ASEAN có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, nhưng giai đoạn phát triển thụ động đã qua. “ASEAN sẽ cần phát huy hết tiềm năng và nắm bắt được tương lai để đóng góp cho sự tăng trưởng toàn cầu. Bây giờ chính là thời khắc để hành động”, ông David Wijeratne nhấn mạnh

 ASEAN – một câu chuyện tăng trưởng độc đáo

Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là một thành tựu đáng kể vì trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, khu vực này thường xuyên ở trong tình trạng đói nghèo và xung đột.

Từ khi thành lập, ASEAN không chỉ tăng gấp đôi thành viên mà còn thành công trong việc xử lý khủng hoảng tài chính năm 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009, trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới.

Cùng với hành trình tăng trưởng đầy ấn tượng này, các nước ASEAN còn cân bằng được tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, giúp đưa hàng triệu người dân trong khu vực thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng bền vững của ASEAN cũng gặp không ít thách thức như suy giảm kinh tế ngắn hạn, năng suất lao động còn thấp, dân số già hóa, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại thương cũng như khoảng cách khá lớn về mặt cơ sở hạ tầng và thể chế quốc gia.

Tin bài liên quan