Không có doanh nghiệp FDI nào đề nghị được khoanh nợ

Không có doanh nghiệp FDI nào đề nghị được khoanh nợ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong số những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn bị thiệt hại trong vụ đập phá của một số kẻ quá khích vừa qua, không có doanh nghiệp nào vướng nợ xấu. Vì thế, ngân hàng tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ về tín dụng.

Ông có thể cho biết, tình hình tín dụng của doanh nghiệp FDI trên địa bàn hiện nay?

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM, có 32 doanh nghiệp FDI bị thiệt hại trong vụ phá hoại vừa qua tại các khu chế xuất Linh Trung 1 và 2… Trong đó, có 17 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng trên địa bàn, với tổng dư nợ 132 tỷ đồng và 4,7 triệu USD. Hiện có 5 doanh nghiệp có dư nợ và những doanh nghiệp này không có nợ xấu. Tính đến cuối tháng 4/2014, tổng dư nợ tín dụng tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCX - KCN) TP.HCM đạt 75.525 tỷ đồng, cho vay đối với 1.459 doanh nghiệp, trong đó dư nợ trung và dài hạn chiếm 25% tổng dư nợ.

Vậy các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp FDI?

NHNN Chi nhánh TP.HCM đã phối hợp với các KCN, KCX trên địa bàn gặp gỡ các doanh nghiệp FDI bị thiệt hại để nắm bắt tình hình và tìm cách hỗ trợ kịp thời về vốn. NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng đã có cuộc họp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để bàn các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Hiện có 3 giải pháp được triển khai.

Thứ nhất, tiếp tục giữ hạn mức tín dụng hoặc tăng hạn mức tín dụng, nếu các doanh nghiệp FDI có nhu cầu.

Thứ hai, chủ động miễn, giảm giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại.

Thứ ba, những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề thì các ngân hàng thương mại sẽ đề nghị trực tiếp lên NHNN, sau đó NHNN báo cáo lên Chính phủ để có biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho họ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp FDI nào đề nghị được khoanh nợ, mà chủ yếu chỉ đề nghị tiếp tục được vay vốn để đáp ứng sản xuất, kinh doanh bình thường.

Vì sao dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh thời gian qua. Việc này, theo ông, có đáng lo ngại?

Lãi suất ngoại tệ thấp hơn lãi suất tiền đồng là lý do để doanh nghiệp xuất khẩu muốn vay USD. Do đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đang có phần tăng trưởng nhanh hơn dư nợ bằng VND. Đơn cử, tại khu vực TP.HCM, tính đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong khi dư nợ bằng VND giảm 0,09%.

Xu hướng trên cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại. Chỉ tính riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp KCN - KCX trên địa bàn TP.HCM có dư nợ cho vay 3 tháng đầu năm 2014 tăng tới 7,5%.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ không phải dễ đối với doanh nghiệp, dù lãi vay khá thấp. Lý do là, trong những năm vừa qua, NHNN đã liên tục có đưa ra những thay đổi về đối tượng được vay và quy định đối với tổ chức tín dụng cho vay bằng ngoại tệ, điển hình là Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN, Thông tư 25/2009/TT-NHNN, Quyết định số 750/QĐ-NHNN, Quyết định số 74/QĐ-NHNN... Theo quy định của NHNN chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ mới có thể vay vốn bằng USD.

Vừa qua, ngoại tệ và vàng có biến động nhẹ. Như vậy, cung - cầu liệu có bị lệch pha không, thưa ông?

Trong những ngày giữa tháng 5/2014, tỷ giá có biến động nhẹ so với đầu tháng. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 5 - 10 đồng/USD, nhưng tỷ giá niêm yết chưa đụng trần. Điều đó cho thấy, cung ngoại tệ vẫn đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế. Mặc dù tỷ giá trên thị trường tự do có những thời điểm biến động lên cao hơn so với tỷ giá niêm yết trong các ngân hàng, song sau đó nhanh chóng lắng dịu.

Các ngân hàng thương mại vẫn đáp ứng tốt nguồn ngoại tệ cho các thành phần kinh tế. Nếu ngân hàng thương mại nào không đáp ứng được nguồn cung ngoại tệ cho khách hàng, thì có thể liên hệ với NHNN để được cung ứng nguồn cung. NHNN cũng đã nhanh chóng can thiệp thị trường vàng để đảm bảo cung - cầu.

Nhìn vào thực tế cũng thấy, chênh lệch giữa cung - cầu về vàng trong thời gian qua vẫn được đảm bảo và không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng như trước đây.

Trong khi đó, giá vàng tăng nhẹ thời gian qua chủ yếu do tác động bởi tâm lý từ căng thẳng Biển Đông. Còn thực tế, giá vàng thế giới trong thời gian qua không tăng, thậm chí còn điều chỉnh giảm. Vì thế, người tiêu dùng cần bình tĩnh trước diễn biến của thị trường. 

Tin bài liên quan