Hàn Quốc, quốc gia phát triển thành công của khu vực châu Á là 1 trong 6 nước được lựa chọn (ảnh WSJ)

Hàn Quốc, quốc gia phát triển thành công của khu vực châu Á là 1 trong 6 nước được lựa chọn (ảnh WSJ)

Không có câu trả lời tuyệt đối về lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào

(ĐTCK) Đây là kết luận được rút ra sau khi nghiên cứu mô hình 6 quốc gia trong đề tài "Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới", nhằm tìm một hướng đi tốt nhất cho Việt Nam. 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu về "Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới".

Sáu quốc gia được lựa chọn nghiên cứu là Hoa Kỳ, Úc (đại diện của hệ thống thông luật Anglo-Xacxong), Đức (đại diện của hệ thống dân luật châu Âu lục địa), Hàn Quốc (quốc gia phát triển thành công của khu vực châu Á), Malaysia (quốc gia phát triển ấn tượng khu vực Đông Nam Á) và Cộng hòa Liên bang Nga (quốc gia chuyển đổi) với các mô hình thể chế khác nhau giúp đem lại những kinh nghiệm thực tiễn cho Việt Nam tham khảo trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm và công bố báo cáo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), Nguyễn Đình Cung cho biết, đối với mỗi quốc gia, những luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể trên thị trường từ khi gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường tới khi rút lui khỏi thị trường và những thiết chế quản lý và điều tiết thị trường đã được lựa chọn và phân tích để rút ra những bài học tham khảo thiết thực cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Theo ông Cung, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật như: Luật Đầu tư công, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… những văn bản pháp luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình cải cách thể chế kinh tế trong lâu dài và có tác động lớn đến quá trình tác động đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thực hiện ba năm qua.

“Để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế các nước trên thế giới là cần thiết và bổ ích. Tuy nhiên, không có câu trả lời tuyệt đối về lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào”, ông Cung nhấn mạnh 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống pháp luật các nước ngày càng tiệm cận với nhau hơn; bản thân pháp luật cũng có tính kề thừa, tính đặc thù xã hội và văn hóa. Do vậy, việc nghiên cứu các quy phạm pháp luật các quốc gia khác chỉ mang tính chất tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để từ đó đưa ra lựa chọn chính sách phù hợp cho Việt Nam.

"Không có câu trả lời tuyệt đối về lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào" - ông Nguyễn Đình Cung.

Một trong những nội dung chính được nghiên cứu đề cập là những luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể trên thị trường từ khi gia nhập thị trường. Nghiên cứu đã xem xét và đánh giá đặc trưng của các luật chủ yếu, trong một số trường hợp là các án lệ tiêu biểu điều chỉnh và tác động đến hành vi của các chủ thể trong thị trường tại các quốc gia trên, qua đó tác động đến sự phát triển một cách lành mạnh của thị trường.

Bên cạnh đó, trong các trường hợp lựa chọn nghiên cứu, thiết chế được hình thành và cơ bản được hoàn thiện để quản lý và điều tiết thị trường nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên.

Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật nhằm hàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo dự kiến sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ XIII, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước và các Viện nghiên cứu nhằm gợi mở hướng tìm hiểu, phân tích về mặt chính sách cũng như là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Tin bài liên quan