Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, thận trọng có phải là định hướng đúng, phù hợp không?

Hôm nay (2/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với địa phương. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình 6 tháng qua và đưa ra định hướng chỉ đạo, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế trong nửa cuối năm 2020, tận dụng tốt cơ hội kiểm soát được dịch Covid-19.

Gian khó là lúc bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam tỏa sáng

Theo Thủ tướng, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh.

“Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của nước ta. Những ngày gần đây dịch lan rộng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. OECD đưa ra 2 kịch bản: Nếu đại dịch bùng phát lần hai, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm gần 8%, còn nếu tránh được dịch bùng phát lần hai thì giảm khoảng 6%.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929-1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24/6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh (4,9%).

Đối với trong nước, ảnh hưởng của Covid-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, theo Thủ tướng, nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Xuất siêu 4 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá. Tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4 và  tháng 6 tăng 10,3% so với trong tháng 5.

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định và tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng 27,9%.

Tính chung 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4%. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm đến 74,6% so với cùng kỳ.

Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 thành công, một lần nữa nêu rõ chủ quyền và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được thông qua, mở ra một không gian thương mại, đầu tư mới giữa 27 nước EU với Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ 1/8 năm nay. Trong 6 tháng qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã điện đàm với 18 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước.

Báo Nikkei cho biết, chỉ số PMI tháng 6 của Việt Nam tăng mạnh, đạt  51,1 điểm so với 42,7 điểm trong tháng 5 và mức thấp kỷ lục, 32,7 điểm trong tháng 4, thể hiện sản xuất phục hồi trở lại, đơn hàng mới tăng nhanh, mạnh. Việt Nam đứng đầu về phục hồi kinh tế trong các nước ASEAN.

“Tuy tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy, chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đối với đất nước ta, mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, càng nỗ lực vượt khó vươn lên, càng nung nấu quyết tâm hơn.

Không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển ảnh 1

Thủ tướng yêu cầu cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình

7 vấn đề trọng tâm cần tập trung tháo gỡ

Nhìn nhận tình hình còn rất khó khăn, Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh ấy chúng ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt.

Gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận, theo Thủ tướng, thứ nhất, mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tỷ giá, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

“Trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế-xã hội”.

Ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Thứ hai là về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng. Theo Thủ tướng, không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển. Khác với đa số các nước, dư địa tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn khá lớn. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, thận trọng có phải là định hướng đúng, phù hợp không? Trong khi đó, nhiều nước giảm lãi suất xuống còn 0% hoặc âm, bơm tiền rất lớn vào thị trường…

Trước ý kiến cho rằng chỉ cần giữ ổn định kinh tế-xã hội, Thủ tướng đặt vấn đề, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt một mức nhất định, thất nghiệp gia tăng, nghèo đói và tệ nạn xã hội xuất hiện thì chúng ta có giữ được ổn định vĩ mô không? “Vì vậy, chúng ta cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, không thể đi ngược thời đại, xu hướng chung. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ liều lượng thế nào cho phù hợp”.

Thứ ba, là giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cho biết có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, số vốn cần giải ngân trong năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và các bộ, địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để bảo đảm giải ngân hết số vốn này, “các đồng chí phải nóng ruột lên”. “Tại sao nhiều địa phương khác giải ngân tốt mà rất nhiều địa phương giải ngân chậm, lần này phải có chế tài mạnh”.

Không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển ảnh 2

Lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Chính phủ dự Hội nghị

Thứ năm, phải tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất, kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần có cơ chế chính sách nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay. “Cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ thành công”, Thủ tướng nhắc nhở.

Vấn đề thứ sáu cần bàn là chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị. Có địa phương mà cả năm không có một dự án nào khởi công trong khi nhu cầu rất lớn thì làm sao có thể phát triển được, Thủ tướng lưu ý.

Thứ bảy, làm thế nào thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân năng động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ, nỗ lực vượt khó. “Tuy nhiên, chúng ta thấy cố gắng này của doanh nghiệp, của người sản xuất kinh doanh chưa đủ mà chính chính quyền phải ra tay hỗ trợ”.

Thủ tướng cảnh báo, nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam, mà sẽ sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia nếu chúng ta không tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và những điều kiện thu hút khác. “Các đồng chí tập trung bàn, đề xuất các giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế vào Việt Nam”.

Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành kiến nghị những giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các "đầu tàu kinh tế", các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn. Phải có giải pháp mạnh hơn, đồng bộ để vực dậy khu vực dịch vụ, du lịch, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện nay.

Tin bài liên quan