Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi côngDự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi côngDự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Khởi công dự án bệnh viện gần 6.000 tỷ đồng và dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM

Ngày 26/6, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công Cơ sở 2 - Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I).
Tới dự lễ khởi công có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I) được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng (từ năm 2016-2018). Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Theo đó sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40-160 m; xây dựng 7,8 km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu, các cống nhỏ có khẩu độ 1 - 10 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống Scada...

Hình ảnh tại lễ khởi côngDự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I). Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hình ảnh tại lễ khởi côngDự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dự án rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của TPHCM trên chặng đường tỏa sáng “hòn ngọc Viễn Đông”.

Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục rà soát, cập nhật khoa học kỹ thuật, mời các nhà khoa học, chuyên gia góp ý, tránh tình trạng “nước chảy ngược” (nước cần chảy lên thì lại chảy xuống và ngược lại). Chính quyền Thành phố, nhà đầu tư, đơn vị thi công cần quan tâm đến các vấn đề về quản lý hồ điều hòa, chống sụt lún, bảo đảm an toàn dự án, an toàn lao động, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong quá trình thi công. Phải có khu tái định cư và tạo điều kiện sinh kế cho người dân phải di dời, nhường đất cho dự án.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh việc chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát khi triển khai dự án bởi “đây là dự án tái cấp vốn, cũng là tiền của nhân dân”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là dự án chống ngập lớn nhất, hiện đại nhất tính đến nay của Thành phố. “Đây mới chỉ bước khởi đầu, còn muôn vàn khó khăn phía trước. Thành phố kỳ vọng nhà đầu tư sẽ hoàn hành đúng tiến độ. Chúng tôi cam kết đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để dự án triển khai thuận lợi”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Còn theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group, nhà đầu tư dự án, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong vòng 24 tháng, sớm hơn 12 tháng so với thời hạn đề ra.

“Dự án này sau khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để việc ngập úng do triều có xét đến biến đổi khí hậu tại khu vực dự án”, ông Nguyễn Tâm Tiến cam kết.

Hình ảnh tại lễ khởi công xây dựng công trình Cơ sở 2-Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hình ảnh tại lễ khởi công xây dựng công trình Cơ sở 2-Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công xây dựng công trình Cơ sở 2-Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Đây là 1 trong 5 bệnh viện thuộc Đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TPHCM” theo Quyết định 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đầu tư theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối.

Bệnh viện có quy mô 1.000 giường bệnh, với tổng vốn đầu tư 5.845 tỷ đồng. Tổng diện tích xây dựng khoảng 120.000 m2, có sân đậu trực thăng phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân cấp cứu với thời gian thi công là 18 tháng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương đầu tư xây dựng các cơ sở chuyên khoa ung bướu là cần thiết khi mỗi năm Việt Nam có 150.000 người mắc bệnh và làm trên 100.000 người tử vong. Số giường bệnh dành cho điều trị ung bướu hiện rất thấp, 25 giường/triệu dân trong khi ở Thái Lan là 100 giường/triệu dân, Singapore là 150 giường/triệu dân.

Hoan nghênh UBND TPHCM, Bộ Y tế đã phối hợp chuẩn bị khởi công dự án, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, giao ban, kiểm tra việc thi công, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chất lượng của dự án rất quan trọng bởi quy trình điều trị bệnh ung bướu đòi hỏi kỹ thuật cao, khắt khe hơn.

“Chất lượng của bệnh viện này cần làm gương cho các bệnh viện khác, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, tránh tình trạng mới khánh thành đã hư hỏng”, Thủ tướng nêu rõ.

Có một điều thấm thía là người dân đến các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108 và các bệnh viện nổi tiếng khác chủ yếu là do đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ ở đây. Và cũng từng có trường hợp bệnh viện phải giải tán vì không có nhân lực, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, công tác đào tạo, chuẩn bị đội ngũ thầy thuốc cho bệnh viện khi đi vào vận hành là vô cùng quan trọng.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn Cơ sở 2-Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ hoạt động hiệu quả, “đáng đồng tiền bát gạo” của nhân dân, phục vụ tốt người dân Thành phố cũng như cả nước.

Tin bài liên quan