Một tỷ lệ khá lớn DN chưa được hưởng lợi từ các chính sách miễn giảm thuế của Nhà nước.

Một tỷ lệ khá lớn DN chưa được hưởng lợi từ các chính sách miễn giảm thuế của Nhà nước.

Khó vượt… khó

(ĐTCK) 50% DN đang rất khó khăn, 25% DN cần sự hỗ trợ mới có thể vượt qua thời điểm này. Đây là kết quả khảo sát đại diện DN của 21 hội DN trẻ các tỉnh vào đầu tháng 4 vừa qua. Đặt cạnh tỷ lệ 25% DN tự tin khẳng định không có khó khăn, đang có cơ hội phát triển, bức tranh về hoạt động của các DN Việt Nam khá xám màu. Hơn thế, cơ hội để đổi màu của nhiều DN, đặc biệt là các DN quy mô nhỏ và vừa là rất nhỏ.

Trao đổi với ĐTCK tại Tọa đàm Doanh nhân trẻ Việt Nam góp phần chống suy giảm kinh tế do Hội Các nhà DN trẻ Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Hai, Giám đốc DN tư nhân Sơn Minh Hai (Nha Trang) than phiền, DN của bà không thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ, cụ thể là nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Thậm chí, thông tin về chính sách hỗ trợ DN về xử lý nợ cũ cho dù đã được đưa ra từ đầu năm cũng chưa đến được với DN.

Phải thừa nhận là những than phiền tương tự khá nhiều và trải đều ở các địa phương. Một số DN ở Bến Tre cho biết là khó được bảo lãnh để tiếp cận nguồn tín dụng hỗ trợ. Ngay trong những cuộc đối thoại gần đây giữa DN và chính quyền một số địa phương, cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng hỗ trợ dường như thuận lợi hơn đối với các DN lớn, DN vẫn đang làm ăn tốt. "DN nhỏ như chúng tôi thì khó càng khó", bà Hai nói.

Cũng phải nói rằng, ngay sau khi bà Hai có ý kiến, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã dẫn chứng tình hình ngược lại và đề nghị báo giới nếu trích dẫn ý kiến của bà Hai thì phải nêu rõ cả câu trả lời của đại diện Ngân hàng Nhà nước. Rằng, việc triển khai các chính sách này ở các địa phương, trong đó có Khánh Hoà khá thuận lợi, với tỷ lệ giải ngân đã lên tới trên 218.000 tỷ đồng. Rõ ràng, số DN tiếp cận với chính sách này không hề nhỏ.

"Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu DN Sơn Minh Hai đủ điều kiện mà không tiếp cận được nguồn vốn thì sẽ có xử lý kiên quyết ngân hàng, cán bộ làm sai", ông Tiến khẳng định.

Có lẽ vấn đề nằm nhiều ở khái niệm "đủ điều kiện". Khá nhiều DN, khoảng 13%, tự xác định không đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng đưa ra. Đặc biệt, những khoản nợ xấu từ năm trước, những ngành nghề, lĩnh vực bị cho là rủi ro cao như các DN hoạt động trong ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, chế biến gỗ… chính là những rào cản khó vượt của các DN trong cuộc chạy đua tới các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Có DN cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang thu hẹp như hiện nay, để chứng minh được với ngân hàng về tính hiệu quả của một dự án hoàn toàn không đơn giản, thậm chí là vô vọng. Đây là một số trong những nguyên nhân khiến có tới 44% DN tham gia khảo sát chưa được vay từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Trong số này, có tới 5% là do ngân hàng ở địa phương không tham gia triển khai các hoạt động này.

Có lẽ cũng phải nhắc tới một tỷ lệ khá nhỏ, là 2%, DN không biết đến thông tin của các chính sách hỗ trợ này. Ngay cả trường hợp của DN Sơn Minh Hai trên cũng không biết có chính sách hỗ trợ về xem xét lại các hợp đồng tín dụng có lãi suất cao vào hồi đầu năm 2008. Cũng có những DN sau khi lên tiếng đề nghị mới biết là Chính phủ đã có văn bản rồi, như trường hợp của một DN ở Nam Định kêu là không có chính sách bảo hiểm thất nghiệp…

Khó trong vượt khó thuộc về nhiều phía, có cả chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc triển khai thực hiện cũng như sự chủ động của DN. Sẽ là chưa đủ nếu như thiếu các đánh giá về hiệu ứng chính sách hỗ trợ DN. Có khoảng 38% DN cho biết, họ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập DN, tầm đó DN nhận được lợi ích từ việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN trong 9 tháng… Một tỷ lệ khiêm tốn hơn, khoảng 7 - 9% DN cho rằng, họ thuận lợi hơn với các quy định về hoàn hơn 90% thuế VAT đầu vào đối với hàng hoá xuất khẩu, với quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được… Rõ ràng, một tỷ lệ khá lớn DN chưa được hưởng lợi.

Và như vậy, cam kết kiểm tra lại việc thực hiện các chính sách của Nhà nước sẽ có hiệu quả thực tế hơn rất nhiều khi các DN lên tiếng một cách cụ thể, đầy đủ về khó khăn của mình.