Cản lực lớn trong các quyết định đổi mới của doanh nghiệp vẫn là chi phí và nguồn nhân lực.

Cản lực lớn trong các quyết định đổi mới của doanh nghiệp vẫn là chi phí và nguồn nhân lực.

Khó thích ứng

(ĐTCK) Ngay cả trong hoạt động đào tạo, các DN FDI vẫn nổi trội với 92% tham gia, trong khi số DN trong nước thực hiện là trên 78%

Chỉ khoảng 50% trong tổng số 630 doanh nghiệp tham gia điều tra về hoạt động doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lựa chọn thực hiện đổi mới về quy trình. Có nghĩa là cũng tương tự bằng đó doanh nghiệp chưa có quy trình mới, chưa cải tiến sản xuất, phương thức phân phối, hàng hoá, dịch vụ… Trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục trong thời gian qua, có vẻ như khá nhiều doanh nghiệp chưa tìm được cách thích ứng.

Nhìn vào danh mục hình thức cải tiến mà doanh nghiệp lựa chọn, có tới trên 60% doanh nghiệp lựa chọn đổi mới bằng cách mua máy móc, thiết bị, phần mềm. Chỉ có hơn 21% lựa chọn hướng “mua tri thức từ bên ngoài”, tức là đổi mới thông qua mua hoặc lấy bằng sáng chế hoặc phát minh chưa được cấp. Trong số này, các doanh nghiệp FDI quan tâm đầu tư nhiều hơn, nhất là hình thức mua máy móc, thiết bị.

Nếu như phân tích thêm về tỷ lệ thấp doanh nghiệp trong nước lựa chọn đầu tư nâng cấp thiết bị và phương pháp sản xuất để nâng cao năng suất lao động, có thể thấy khoảng cách về đổi mới giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn rất lớn. Ngay cả trong hoạt động đào tạo, các doanh nghiệp FDI vẫn nổi trội với 92% tham gia, trong khi số doanh nghiệp trong nước thực hiện là trên 78%, một tỷ lệ không hề nhỏ so với những năm trước.

Cũng phải thông tin thêm, số doanh nghiệp tham gia điều tra của VCCI phần lớn là các doanh nghiệp đang hoạt động tại hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP. HCM. Chính nhóm doanh nghiệp này là đối tượng chịu những tác động thị trường lớn và trực tiếp nhất, nên phản ứng với yêu cầu đổi mới rất tích cực, song có thể không phản ánh đầy đủ thực trạng về đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Lý do là trong nỗ lực đổi mới trên, chủ yếu là do doanh nghiệp tự thực hiện do yêu cầu của cạnh tranh, của thị trường. Hai lý do này được cho là động lực chính quyết định các kế hoạch đầu tư cho đổi mới của doanh nghiệp (với tỷ lệ trên 50%). Trong khi đó, có tới trên 16% doanh nghiệp không nhận thấy có sự hỗ trợ đối với công việc đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp từ phía Nhà nước. Số doanh nghiệp tìm được sự hỗ trợ thông tin, đề xuất ý tưởng đổi mới từ các trường đại học, viện nghiên cứu… cũng không nhiều. Có tới 25% doanh nghiệp không nhận thấy ý nghĩa của các tổ chức này trong quá trình đổi mới của mình.

Trên thực tế, đáng ra các cơ sở này phải là những bàn tay hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Theo các chuyên gia VCCI thực hiện khảo sát, đây là minh chứng sinh động cho những nhận định về việc các trường đại học, viện nghiên cứu chưa hướng hoạt động của mình gắn với nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp… Khoảng trống thị trường này nếu không được chính các cơ sở đào tạo, nghiên cứu này quan tâm, thì rất có thể tới đây, khi dung lượng thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài này tăng mạnh nhờ những thay đổi về khung học phí, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội của chính mình. Có thể thấy, yêu cầu đổi mới cũng rất cấp bách từ chính các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu…

Bên cạnh đó, cản lực lớn trong các quyết định đổi mới của doanh nghiệp vẫn là chi phí và nguồn nhân lực, những khó khăn chung trong hoạt động của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không tìm được nguồn đầu tư cho các kế hoạch vốn đòi hỏi thời gian và chi phí lớn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, kế hoạch đổi mới của họ còn chịu áp lực rất lớn, nhiều khi mang tính quyết định từ phía các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, vị trí trên thương trường. Các doanh nghiệp này thường tạo nên những cú sốc cho đối thủ nhỏ hơn về những bước phát triển thị trường mới, công nghệ mới, nhóm khách hàng mới… Rõ ràng, vai trò bà đỡ của các viện nghiên cứu, các trường đại học, cơ sở đào tạo là rất cần thiết với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tìm đường ngách để phát triển. Liên kết yếu rõ ràng là điểm cần được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu… chủ động cải thiện ngay.