Khát vọng về một Việt Nam văn minh, thịnh vượng, hiện đại và dân chủ đang được thắp lên trong mỗi người dân Việt Nam

Khát vọng về một Việt Nam văn minh, thịnh vượng, hiện đại và dân chủ đang được thắp lên trong mỗi người dân Việt Nam

Khát vọng Việt Nam

Xuân Đinh Dậu vừa sang cũng là lúc người ta lại bắt đầu nói nhiều hơn tới khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai không xa. Tiềm năng là có thật, vận hội mới cũng đang đến, những nền tảng cho tương lai vững bền cũng đã và đang được thiết lập, nhưng chỉ khi biết tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, vươn lên thì đất Việt mới luôn “chưa đẹp thế bao giờ”… 

1. Xuân sang, khi đào - mai bung nở, lòng người thêm phơi phới, tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai phát triển ở phía trước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vào lúc trời đất giao hòa, muốn ôn cố, tri tân.

Ông bảo, nước Việt vừa khép lại năm Bính Thân - 2016 với đầy ắp những sự kiện và cung bậc cảm xúc, vui mừng vì đã đạt được phần lớn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhưng cũng lo lắng vì khó khăn thách thức liên tiếp diễn ra, nhiều hơn và với mức độ cao hơn.

Nếu không có khát vọng, chúng ta sẽ ngủ quên với chiến thắng của quá khứ, mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển.

Cũng phải, năm 2016, dù tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,21%, không đạt mục tiêu đề ra, nhưng bù lại kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc và không có bất cứ cú sốc nào. Chưa kể, các cân đối cơ bản được đảm bảo, dự trữ ngoại hối tăng lên tới 41 tỷ USD. Môi trường kinh doanh và đầu tư cũng đã được cải thiện không ngừng, thế nên kỷ lục mới đã được thiết lập, số doanh nghiệp mới được thành lập trong năm đã lên tới 110.000 doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đạt đỉnh cao nhất kể từ trước tới nay - với 15,8 tỷ USD…

Nhưng mừng đấy mà cũng lo đấy. Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bảo, chưa có năm nào nhiều cái “nhất” như năm nay, nhiều khó khăn nhất, mà cũng nhiều bài học nhất.

Từ chuyện bối cảnh quốc tế phức tạp nhất, với sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Anh tuyên bố rời Liên minh châu Âu, kết quả bất ngờ của bầu cử Tổng thống Mỹ…, đến chưa bao giờ giá dầu thô thế giới giảm thấp nhất trong vòng 12 năm qua, kéo theo giá cả thế giới giảm, thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Rồi cũng chưa bao giờ, môi trường và thiên tai trong nước lại nghiêm trọng như thế. Từ hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt liên tục… đến hậu quả nghiêm trọng của sự cố môi trường biển ở miền Trung. Tất cả khiến lần đầu tiên Việt Nam phải chứng kiến mức tăng trưởng âm của khu vực nông nghiệp, vốn được coi là thế mạnh và cứu cánh của nền kinh tế trong rất nhiều năm.

Và cũng vì thế, trong những cái nhất của năm 2016, người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, đã nhắc tới “rất nhiều” những bài học kinh nghiệm được rút ra, mà đắt giá nhất là bài học về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khát vọng Việt Nam ảnh 1

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đã tốt hơn

Câu chuyện của Formosa sẽ luôn được lấy làm ví dụ điển hình về quản lý đầu tư, giám sát trong bảo vệ môi trường không chỉ hiện thời mà còn mãi về sau. Cũng tương tự, những dự án nghìn tỷ nằm đắp chiếu là bài học trong quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia. Chuyện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, hẳn nhiên cũng là một bài học đau xót…

Có những cái nhất xấu, nhưng ngược lại, cũng không ít những cái nhất thật đẹp. Đẹp là khi năm 2016 cũng là năm mà cả hệ thống chính trị thể hiện sự quyết tâm, chỉ đạo điều hành quyết liệt nhất, không phải chỉ với các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, mà còn với cải cách thể chế, với cải thiện môi trường đầu tư… và quan trọng hơn hết, là với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Và đẹp là khi năm 2016 là năm mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm nhiều nhất… Bởi thế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, niềm tin của người dân và doanh nghiệp nhờ vậy đã được khơi dậy, và kinh tế - xã hội dần từng bước phục hồi…

Thế nên, dù chưa hẳn hài lòng với con số tăng trưởng 6,21%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn vui khi chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn, khoảng cách giàu - nghèo đã được thu hẹp lại, để không còn ai bị bỏ lại phía sau. Và đó mới là điều quan trọng nhất.

Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ hôm ông tới tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Phật Tích (Bắc Ninh), cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Có lẽ nhìn lại, chưa bao giờ quê hương ta đẹp thế này”. Ông còn bảo, dù bây giờ ra đường đúng là lắm chuyện khó chịu, nhiều chuyện tiêu cực nghe rất bực mình, tệ tham nhũng, cán bộ hư hỏng cũng có cả…, nhưng tổng quát lại thì đất nước ta có bao giờ được thế này không?

Đúng là, Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ!  

2. Cũng chưa bao giờ được nghe tới nhiều đến thế hai từ “khát vọng” như tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao trọng trách là “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.

Không chỉ là khát vọng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, chức trách của Bộ, mà còn là khát vọng phát triển chung của đất nước, khát vọng về một Việt Nam văn minh, thịnh vượng, hiện đại và dân chủ. Khát vọng ấy đã được vạch ra rất rõ ràng trong Báo cáo 2035, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dày công xây dựng trong năm qua.

Khát vọng Việt Nam ảnh 2

Chưa bao giờ quê hương ta đẹp thế này

Nhưng báo cáo là một chuyện, làm sao để báo cáo trở thành hiện thực mới là điều quan trọng nhất. Bởi rõ ràng, Việt Nam đã phải mất 25 năm Đổi mới mới có thể trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thì còn cần nhiều thời gian hơn nữa mới có thể vươn tới tầm thịnh vượng, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD/năm. Là 30 năm hay 50 năm nữa?

Đã nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, chặng đường ấy là quá dài, phải rút ngắn thêm nữa. Nhưng sẽ không là dễ dàng khi thách thức, khó khăn phía trước là không nhỏ. Mà trong đó, thách thức lớn nhất là kinh tế bị tụt hậu, là làm sao vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước.

Thật đau xót làm sao, khi dù sau 30 năm Đổi mới, đất nước đã có nhiều đổi thay và phát triển, nhưng nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn là nước đứng ở vị trí thấp. Đặt bên cạnh Thái Lan, phải mất 16 năm nữa mới đuổi kịp họ ở trình độ phát triển hiện tại. Còn đặt bên cạnh Philippines, quốc gia đã từ lâu vẫn bị coi là đã vướng bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam vẫn chỉ luôn ở vị trí bám theo mà chưa thể thu hẹp được khoảng cách, chứ chưa nói tới sẽ vượt họ.

Chưa kể, là những thách thức liên quan đến hội nhập quốc tế, đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thách thức là lớn lao. Nhiệm vụ là nặng nề. Nhưng nếu không có khát vọng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hài lòng với những gì đã đạt được, ngủ quên với chiến thắng của quá khứ, mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển.

Bởi thế, hôm tổng kết năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tiếp tục truyền lửa đổi mới cho mỗi cán bộ, nhân viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông bảo, không chỉ cần có khát vọng Việt Nam phát triển, mà còn cần có cả khát vọng đổi mới, sáng tạo, khát vọng kiến tạo phát triển ngay từ mỗi cán bộ, nhân viên của Bộ. Điều này là cần thiết, bởi đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế.

Chính Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh rằng, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh được cải cách ra sao, nền kinh tế được tái cơ cấu thế nào, là phụ thuộc nhiều lắm vào sự tham mưu, xây dựng chính sách từ “vị kiến trúc sư tài giỏi” này. Giỏi là khi xây dựng được chính sách đủ mạnh để làm sao kể cả trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn hẹp nhất, vẫn có được được kịch bản phát triển kinh tế - xã hội tốt nhất.

Giỏi để có thể tháo gỡ mọi vướng mắc, rào cản, khơi nguồn cảm hứng trong người dân và doanh nghiệp cùng tham gia kiến thiết đất nước, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Giỏi và cũng cần cả dũng cảm để liêm chính trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch, để làm sao không có chuyện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay doanh nghiệp thân hữu, mà phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Giỏi để hỗ trợ Chính phủ thực sự trở thành một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động…

3. Thông điệp đã tiếp tục được gửi trao, Chính phủ nhất quán xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Dù điều đó, như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là không có nghĩa Chính phủ sẽ “bỏ quên” quản lý kinh tế, nhưng kiến tạo và hành động là mục tiêu hàng đầu, để tất cả các động lực cho nền kinh tế được khơi thông, để giải phóng sức sản xuất, để bảo vệ quyền con người và quyền tự do kinh doanh, đầu tư của mọi người dân.

Năm qua, Thủ tướng nói, nỗ lực đó đã phần nào khơi dậy được niềm tin trong nhân dân, mà điều ấy suy cho cùng, mới là quan trọng nhất. Thủ tướng khẳng định, cái gốc của sự phát triển chính là người dân. Một khi niềm tin của người dân được khơi dậy, họ sẽ đồng thuận để cùng Đảng, Nhà nước kiến thiết và phát triển đất nước.

Khát vọng Việt Nam ảnh 3

 Xây dựng một chính phủ kiến tạo để giải phóng sức sản xuất, để bảo vệ quyền con người và quyền tự do kinh doanh

Chẳng thể phủ nhận, thời gian qua, niềm tin của người dân đã phần nào sứt mẻ. Nhưng sau Đại hội XII của Đảng, với chủ trương nhất quán thực hiện đồng bộ và toàn diện công cuộc Đổi mới, lại thêm Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng nhấn mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, dân đã thêm tin vào sự lãnh đạo của Đảng,

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, đấy là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ, của đất nước. Nhưng nói vậy không có nghĩa “đóng cửa” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, phải đồng bộ thực hiện các nghị quyết khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình; tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân.

Còn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, với tuyên bố chính trị của mình, cũng đã “thắp lửa” niềm tin trong trái tim của mỗi người dân Việt. Không chỉ người Việt ở trong nước, mà cả người Việt ở nước ngoài cũng hân hoan khi nghe Thủ tướng nói, đất nước luôn chào đón những người con đất Việt đóng góp cho quê hương đất nước.

Ông khẳng định, chỉ cần ở đâu có người Việt thì ở đó có Việt Nam, tiếng Việt còn là đất Việt còn. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là ở đấy. Khi mỗi người con đất Việt đều có trái tim ấm tình yêu quê hương đất nước, cùng niềm tự hào là con Lạc cháu Hồng để tất cả chung sức, chung lòng, thì nước Việt sẽ sớm hùng cường sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu. 

Tin bài liên quan