Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội

Huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(ĐTCK) Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra năm nay là 6,7%. Ông và các đại biểu khác đã đề xuất nhiều giải pháp để huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tháo gỡ ách tắc đầu tư công

Muốn đẩy mạnh tăng trưởng nhưng giải ngân vốn đầu tư và các dự án chậm tiến độ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách còn thấp, đây là những bất cập cần tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Luật Đầu tư công ra đời đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, tránh đội vốn và nợ đọng xây dựng cơ bản do kiểm soát được các quy trình từ lựa chọn đến phê duyệt dự án.

“Luật Đầu tư công đã triển khai và xử lý tốt, hạn chế việc bố trí vốn dàn trải. Hiện nay, việc lựa chọn dự án và quyết định dự án đều do bộ, ngành, địa phương xây dựng, đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ 5 năm của mình”, Bộ trưởng nói và cho biết, nếu như trước đây, đề xuất dự án thường gấp 3 lần khả năng cân đối vốn thực tế, khiến việc bố trí vốn dàn trải.

Cụ thể, trước năm 2014, mỗi năm thường xuyên có 15.000 - 16.000 dự án, nhưng nay còn 5.000 dự án, nên việc bố trí vốn tập trung hơn, đẩy nhanh hoàn thành tiến độ công trình, phát huy hiệu quả các dự án, đồng thời thanh toán được nợ ứng và nợ xây dựng cơ bản trước.

Huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 1

Tuy nhiên, trong thực tế có những dự án phải “co kéo” trong bố trí vốn do nhu cầu đầu tư lớn mà khả năng thu xếp vốn thấp, dẫn đến dự án thiếu vốn, chậm giải ngân. Nhu cầu về đầu tư phát triển trong từng ngành, từng địa phương còn lớn, trong khi khả năng thu xếp vốn thấp nên gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc bố trí phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung.

Ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội chỉ ra một nghịch lý là chúng ta có tiền nhưng không giải ngân được, có vốn nhưng không đưa ra công trình được, dẫn đến tình trạng cả quý I năm nay không khởi công được một dự án nào.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát để kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 15, Nghị định 30 và Nghị định 136 hướng dẫn Luật Đầu tư công.

Với vấn đề phân bổ giải ngân vốn chậm, bố trí vốn còn dàn trải, trách nhiệm không thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ, nếu dự án nào chậm không giải ngân thì chuyển sang dự án có thể giải ngân hơn để điều hòa nguồn vốn hiệu quả nhất.

Với dự án địa phương, nếu không bố trí đủ nguồn lực, cần xem xét điều chỉnh cắt giảm tổng mức đầu tư, hoặc có thể huy động các nguồn vốn khác tham gia dự án, không phải trông vào ngân sách của Trung ương và địa phương.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ các chủ trương, định hướng về tái cơ cấu đầu tư, nghiêm túc thực hiện Luật Đầu tư công từ khâu chọn lọc dự án đến thẩm định, phê duyệt.

Các thủ tục, trình tự phải thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ các quy định này, hoàn thiện về tiêu chuẩn về xây dựng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo rót vốn phù hợp với tình hình thực tiễn của dự án.

Thu hút vốn FDI vào nông nghiệp

Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được 23 nghìn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn giải ngân thực hiện hơn 160 tỷ USD.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, đóng góp 18% GDP, 23% tổng vốn đầu tư xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tham gia của khu vực FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, trong khi dư địa tăng trưởng của ngành còn lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá, vốn FDI rót vào nông nghiệp hiện chưa xứng tầm, chưa khai thác hết thế mạnh của ngành khi chỉ chiếm 1 - 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 2

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần triển khai 5 giải pháp đồng bộ để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp

Ông Ngân kiến nghị, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, cần đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này.

Thu hút vốn FDI cần gắn với phát triển bền vững, tránh các dự án không đảm bảo vấn đề môi trường, có yếu tố chuyển giá hay sử dụng công nghệ lạc hậu, tận dụng gia công với nguồn nhân lực giá rẻ, ít sử dụng tài nguyên…

Thu hút vốn FDI cũng là một trong những nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xác định, cần đẩy mạnh trong thời gian tới, bởi trong tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn sắp tới, đầu tư của nhà nước dự kiến còn nhiều khó khăn, vì thế phải dựa vào đầu tư của nước ngoài, đầu tư của tư nhân và xã hội.

Với lĩnh vực nông nghiệp, đây là ngành Việt Nam có thế mạnh, nhưng đầu tư vốn vào lĩnh vực này mới chỉ chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trên thực tế, có một số dự án đầu tư vào nông nghiệp đã thất bại, nhà đầu tư có nhiều cân nhắc trong việc rót vốn.

“Mặc dù đầu tư của doanh nghiệp FDI còn một số hạn chế như có dự án trong lĩnh vực công nghiệp vẫn nặng về gia công và sử dụng năng lượng, lao động giản đơn, nguyên vật liệu đầu vào, một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng không vì thế mà không khuyến khích thu hút vốn FDI”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần triển khai 5 giải pháp đồng bộ để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, mở rộng hạn điền, tích tụ diện tích lớn để áp dụng công nghệ, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, kết nối với các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất, chế biến, chuẩn bị nguồn nhân lực và có cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Huy động các nguồn lực

Theo kế hoạch, cơ cấu vốn đầu tư sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là khu vực tư nhân.

Trong giai đoạn trên, tổng vốn đầu tư xã hội dự kiến chiếm khoảng 32 - 34% GDP, tương đương 9 - 10 triệu tỷ đồng. Để bổ sung nguồn vốn, tại báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội ngày 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc thoái vốn có thể tạo ra ngồn thu 15 - 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế như đã xác định trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

“Vốn đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng, vốn tư nhân là nguồn lực chủ yếu để bổ sung vốn đầu tư, chúng ta cần có định hướng để chủ động thu hút vốn ở hai khu vực này đúng hướng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thu hút vốn FDI, vốn tư nhân được xác định là yếu tố quan trọng, nhưng để huy động và sử dụng có hiệu quả là không dễ dàng, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển lớn.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc làm thế nào để thu hút vốn từ khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả nhất, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là xác lập môi trường kinh doanh ổn định, nhất là kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực.

Đặc biệt, cần khuyến khích thu hẹp lĩnh vực doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực miễn giảm thuế; doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; xóa bỏ các rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

“Hai nghị quyết về giảm chi phí cho doanh nghiệp và cải cách thủ tục hành chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thu hút doanh nghiệp tư nhân”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Theo đó, để tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần chủ động hơn trong thu hút bằng các giải pháp đồng bộ cải thiện năng lực cạnh tranh địa phương, hạ tầng, mặt bằng, đồng thời nâng cao năng lực đón làn sóng đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp và phát triển kinh tế trong nước.

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vốn, phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm, gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường mua bán nợ, với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cần thu hút nhà đầu tư đến khu công nghệ cao

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư do còn hạn chế về hạ tầng, thiếu trường học, bệnh viện… Để hướng tới xây dựng một “thung lũng Silicon Việt Nam” tại Hòa Lạc, cần phải đầu tư hạ tầng nhiều hơn nữa.

Chính phủ nên tập trung kế hoạch đầu tự hạ tầng xã hội cho hai khu công nghiệp cao Hòa Lạc và Đà Nẵng để đón sóng hút nhà đầu tư công nghệ đến đây. Đồng thời, cần làm rõ việc đầu tư này sử dụng ngân sách hay nguồn vốn xã hội hóa.

Du lịch có khả năng thu hút vốn đầu tư lớn

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội)

Du lịch Việt Nam được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều dư địa tăng trưởng và là ngành có khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa thuận lợi nhiều hơn so với các lĩnh vực khác. Do đó, nên thành lập Quỹ du lịch, tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư. Thực tế, hiện có nhiều công trình du lịch lớn ở Việt Nam có sự tham gia của các công ty trong nước.

Tin bài liên quan