Hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ” sau kiểm soát dịch Covid-19

Hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ” sau kiểm soát dịch Covid-19

(ĐTCK) TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, song nền kinh tế còn nhiều khó khăn khi đại dịch vẫn chưa chấm dứt trên thế giới. Vì thế, cần hỗ trợ thanh khoản để doanh nghiệp bám trụ và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”. 

Ông có nói dịch bệnh là một “tai họa” nhưng cơ hội hậu dịch là rất lớn, vậy làm cách nào để hiện thực hóa cơ hội đó?

Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới và hệ quả về kinh tế và an sinh - xã hội vô cùng nghiêm trọng và còn diễn biến phức tạp. Nhiều chuỗi sản xuất, lưu thông quốc gia và toàn cầu bị gãy đổ; doanh nghiệp phá sản và lao động thất nghiệp hàng loạt.

Nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp không thể nằm ngoài tai họa chung này. Tuy nhiên, nếu xem “hậu Covid-19” như một quá trình kéo dài thì Việt Nam chắc chắn là quốc gia khởi đầu của quá trình đó, có cơ hội để tiến hành quá trình phục hồi kinh tế sớm hơn so với khu vực và thế giới.

Cho đến nay, dù đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam không những không đổ vỡ, mà còn có mức tăng trưởng khá so với tình hình chung của thế giới. Nền tài chính quốc gia vẫn giữ vững; phần lớn doanh nghiệp vẫn bám trụ, thậm chí nhiều doanh nghiệp cố gắng “chòi đạp” để tồn tại và phục hồi phát triển. Tính linh hoạt ứng xử trong mọi tình huống của doanh nghiệp Việt Nam là vốn quý trong giai đoạn “bình thường mới” và “hậu Covid” đang diễn ra.

Hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ” sau kiểm soát dịch Covid-19 ảnh 1

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ 

Lựa chọn thứ tự ưu tiên trong các chính sách ứng phó với đại dịch là một bài toán khó, nhưng lại quyết định sự thành công của các chính phủ. Đất nước đang đứng trước tình thế vô cùng khó khăn cả về kinh tế, xã hội và nhất là trước nguy cơ đổ vỡ một loạt doanh nghiệp do đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất, lưu thông. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm các giải pháp để số doanh nghiệp “chết” được hạn chế ở mức thấp nhất có thể, có sức bám trụ khi khống chế được dịch.

Với nguồn lực có hạn, chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện đang ưu tiên nguồn lực đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn được xem là khu vực chiếm số đông trong cộng đồng doanh nghiệp nhưng yếu về nguồn lực, thiếu về kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng và đó là một sự lựa chọn ưu tiên đúng. Doanh nghiệp hiện nay như những thân cây khô hạn vì thiếu nước, phải làm sao để họ giữ được bộ rễ, chờ mưa xuống hồi sinh và bừng lên trở lại.

Điều khiến các doanh nghiệp lo nhất lúc này là lãi mẹ đẻ lãi con, lo nữa là lúc dịch bệnh không có tăng trưởng, phải tích thêm nợ, sau này ngân hàng không cho vay để phục hồi vì phát sinh nợ cũ. Như thế, cây có giữ được bộ rễ cũng không có nguồn dinh dưỡng mới để vươn lên. Nhưng tình hình đang thay đổi hằng ngày, ngay cả sức chống chịu của doanh nghiệp lớn cũng có hạn trước sức tàn phá của dịch nên chính sách ưu tiên đang hướng đến doanh nghiệp.

Rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, theo ông đâu là các giải pháp cần chú ý?

Để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và tận dụng thời cơ để tái cơ cấu thị trường, theo tôi cần quan tâm các nhóm giải pháp gồm: Tiếp tục bổ sung các giải pháp tình thế ngoài những nội dung trong Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ, cũng như nhiều quy định khác, từ đó giảm phần nào khó khăn cho những người yếu thế; hỗ trợ người lao động mất việc làm; hỗ trợ tài chính về thuế, phí, tín dụng cho doanh nghiệp…

Doanh nghiệp hiện nay như những thân cây khô hạn vì thiếu nước, phải làm sao để họ giữ được bộ rễ, chờ mưa xuống hồi sinh và bừng lên trở lại.   

Thực tế, tôi cho rằng, các giải pháp hiện nay đang mang lại tác dụng rất tích cực. Trong thời gian tới, Chính phủ có thể nghiên cứu bổ sung thêm một số giải pháp cần thiết khác, nhưng trọng tâm lúc này là không để doanh nghiệp mất thanh khoản phải ngưng hoạt động.

Cụ thể, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp để giảm khó khăn tài chính, nói cách khác là cho doanh nghiệp mượn vốn của nhà nước để kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu bổ sung Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch; tập trung tín dụng cho những doanh nghiệp đang có thể hoạt động và mở rộng hoạt động và khoanh nợ cho các doanh nghiệp không thể hoạt động hoặc chỉ hoạt động một phần.

Theo ông, có cần bổ sung và điều chỉnh đối tượng thụ hưởng chính sách?

Tôi cho rằng, đây là điều cần thiết. Nói riêng về doanh nghiệp, nên chọn doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và lưu thông đang bị gãy đổ. Ví dụ, chuỗi về du lịch sẽ bao gồm tất cả doanh nghiệp có liên quan: lưu trú, lữ hành, vận tải, ẩm thực, giải trí…

Trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng nên chọn hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi bị gãy đổ, chứ không phải mọi doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn được đánh giá là những “con sếu đầu đàn” trong từng ngành và lĩnh vực cũng cần được quan tâm hỗ trợ, để tiếp tục duy trì vị trí vai trò quan trọng trong các chuỗi sản xuất và lưu thông, giải pháp hỗ trợ bao gồm cả tín dụng lẫn tài khóa. 

Đối với hộ sản xuất - kinh doanh cá thể, với bản chất là nhóm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiện nhiều nước trên thế giới dành ưu tiên hỗ trợ tài chính và tín dụng cho nhóm này, nhưng chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức và cũng chưa có sự đánh giá tổn thương đầy đủ. Điều này cần thay đổi, vì đây là nhóm tuy đóng góp không nhiều trong tỷ trọng thu ngân sách, nhưng với khoảng 5 triệu hộ sản xuất - kinh doanh cá thể thì đây lại là khu vực chủ yếu tạo ra việc làm, đóng góp quan trọng trong cơ cấu GDP và là sức sống của thị trường.

Nhìn rộng hơn từ hoạt động doanh nghiệp mở rộng ra cả nền kinh tế, thì đâu là giải pháp để biến “nguy thành cơ”?

Theo tôi, cần xây dựng một chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hai giai đoạn để vừa khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ”. Với diễn biến hiện nay, rất khó dự đoán chính xác thời điểm đại dịch
Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới và khi nào hoạt động kinh tế trở lại bình thường (như trước khi xảy ra đại dịch), nhất là khu vực các nước ASEAN, Đông Bắc Á, EU và Mỹ.

Theo phân tích hiện nay thì chỉ khi nào có thuốc đặc trị và vắc-xin ngừa bệnh thì đại dịch mới được coi là chấm dứt và mọi hoạt động mới có thể trở lại bình thường. Có dự báo ít ra phải đến giữa năm 2021. Tuy nhiên, nếu xem “hậu Covid-19” như một quá trình kéo dài trong nhiều tháng thì Việt Nam chắc chắn là quốc gia khởi đầu của quá trình đó và có cơ hội để tiến hành quá trình phục hồi kinh tế sớm hơn so với khu vực, thế giới.

Với hai giai đoạn thì giai đoạn 1 là giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt được dịch, nhưng vẫn phải thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội (sống chung với tồn tại của dịch), giai đoạn này hoạt động kinh tế từng bước được bình thường hóa dần - giai đoạn “bình thường mới” - có thể kéo dài đến hết năm 2020. Giải pháp trong giai đoạn “bình thường mới” là các giải pháp mang tính tình thế để giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại, bám trụ thị trường và cơ hội phục hồi (không bị đổ vỡ). Giai đoạn thứ 2 là “hậu Covid”, từ đầu năm 2021, khi các quốc gia trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, EU, Mỹ… được bình thường hóa phần lớn các hoạt động. Giai đoạn này gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là tái cơ cấu thị trường (biến nguy thành cơ).

Theo ông, những nhân tố mang tính thời cơ của thời kỳ hậu Covid-19 là gì?

Những gì mà nước ta đã làm được cho tới thời điểm này để chống đại dịch và bảo vệ sinh mạng của người dân đã khiến cho người dân trong nước và thế giới, nhất là các nhà đầu tư thấy được rằng: Việt Nam là đất nước an toàn trên mọi phương diện. Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn để tìm kiếm cơ hội (đầu tư, du lịch…). Doanh nghiệp nhận thấy rõ hơn phải cơ cấu lại thị trường, cả đầu vào, đầu ra để tránh rủi ro và phải tham gia vào chuỗi giá trị mới có thể tồn tại và phát triển.

Sau giai đoạn bị ức chế do đại dịch, nền kinh tế sẽ có sức bật như lò xo bị nén. Thị trường nội địa sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là các thị trường du lịch, bất động sản… Để có một “chương trình quốc gia” về tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại chuỗi sản xuất, tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA), trước hết năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi cho được hàng chục đạo luật đang điều chỉnh các hoạt động kinh tế chồng chéo, mâu thuẫn nhau, tạo ra những điểm nghẽn, đồng thời xây dựng mới các đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, về đối tác công - tư (PPP)…

Với ngành ngân hàng thì nguy cơ được chỉ rất rõ, đó là nợ xấu tăng trở lại. Theo ông, đâu là giải pháp để giảm áp lực nợ xấu?

Để giảm áp lực tăng nợ xấu của các ngân hàng thương mại, tạo cơ hội vay mới của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành nghề thực hiện giải pháp “kết nối tay 3: Chính quyền địa phương - Ngân hàng Nhà nước - Ngân hàng thương mại” trong bảo lĩnh tín dụng cho doanh nghiệp vướng nợ cũ, không có điều kiện vay mới để phục hồi sản xuất - kinh doanh (như đã thực hiện giai đoạn 2009 - 2011 ở  TP.HCM và một số địa phương khác). Đồng thời, tháo gỡ mọi điểm nghẽn để nền kinh tế có thể hấp thụ nhanh vốn là cách hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp hiện nay. Hỗ trợ tài chính chỉ là biện pháp tình thế, còn giải pháp căn cơ vẫn là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thể chế hành chính thuận lợi để doanh nghiệp tự vươn lên.

Tin bài liên quan