Ông Bùi Anh Tuấn

Ông Bùi Anh Tuấn

Hơn 60% doanh nghiệp đã phát sinh doanh thu sau 1 năm thành lập

Sức sống của các doanh nghiệp mới thành lập đang cho thấy các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản, giảm chi phí kinh doanh của Chính phủ đang tạo ra các giá trị thực cho nền kinh tế. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp phát sinh doanh thu sau 1-2 năm hoạt động đang là minh chứng rõ nét.

Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao, song tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa cũng khá cao. Ông nhìn nhận bức tranh này thế nào?

Nếu nhìn cả giai đoạn, từ 2013 - 2017, lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. So sánh 6 tháng đầu năm 2017 với 6 tháng đầu năm 2013, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 1,5 lần, số vốn đăng ký tăng gần 3 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp tăng 1,8 lần.

Nếu so sánh 6 tháng đầu năm, tỷ lệ số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2014 là 72,9%, năm 2015 là 61,2%, năm 2016 là 57,5%, năm 2017, tỷ lệ này là 56,6%. Đây là tỷ lệ khá khả quan nếu so sánh với thực tế diễn ra ở các nền kinh tế thuộc nhóm đứng đầu về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh trên thế giới.

Ví dụ, Hồng Kông (đứng thứ 4 trong Doing Business 2017), trong năm 2016 có 144.883 doanh nghiệp thành lập mới, 92.843 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ là 64,08%; ở New Zealand (đứng đầu bảng trong Doing Business 2017), trong năm 2015 có 57.870 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 55.629 doanh nghiệp “chết”, tỷ lệ là 96,1%; ở Anh (đứng thứ 7 trong Doing Business 2017), năm 2015, có 383.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 252.000 doanh nghiệp “chết”, tỷ lệ 66%.

Liên quan đến vấn đề gia nhập và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, tôi cho rằng, trong mọi nền kinh tế luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường.

Việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, theo đó, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn.

Như vậy, ở một góc độ nào đó, việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hay phá sản cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở thúc đẩy nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn.

Theo ông, trong số các doanh nghiệp đóng cửa, có nguyên nhân từ các rào cản thị trường, cụ thể là các điều kiện kinh doanh không phù hợp?

Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp rời khỏi thị trường như thị trường không như dự tính, khả năng của chủ doanh nghiệp... Không loại trừ có nguyên nhân từ những khó khăn do điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Nhưng khi nhìn vào tỷ lệ lớn (hơn 91%) doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động có quy mô nhỏ, dưới 10 tỷ đồng, có thể thấy, đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu tác động nhất từ những khó khăn của thị trường. Dù vậy, cũng là nhóm doanh nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh nhất khi các kế hoạch kinh doanh không đạt được kỳ vọng. Ở các nền kinh tế khác, tình hình cũng diễn ra tương tự.

Thực ra, lâu nay vẫn còn câu hỏi, các doanh nghiệp đã thành lập đang sống thế nào?

Đây cũng là điều mà chúng tôi quan tâm. Với dữ liệu kết xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong 2 năm 2015-2016, có thể nói rằng, các doanh nghiệp đang hoạt động khá tốt.

Trong số 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2015, có 74.025 (chiếm 78,1%) doanh nghiệp đang hoạt động, đang thực hiện kê khai thuế; 3.276 doanh nghiệp (3,4%) dừng hoạt động có thời hạn; 13.834 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, chiếm 14,6%. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 3.619, chiếm khoảng 3,8%.

Đối với 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2016, tình hình khả quan hơn, khi có 95.842 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 87,05%; 2.672 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chiếm 2,43%.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể chiếm 8,4%, đã giải thể là 2,1%. Có con số nào thuyết phục hơn về các doanh nghiệp mới thành lập này không, thưa ông?

Theo số liệu từ cơ quan thuế, tính đến tháng 5/2017, trong số doanh nghiệp thành lập năm 2015, có 71.285 doanh nghiệp đã phát sinh doanh thu, đạt tỷ lệ gần 74%. Tương tự, trong số doanh nghiệp thành lập năm 2016, tỷ lệ doanh nghiệp phát sinh doanh thu là 60,5%. Tôi tin rằng, đây là những tỷ lệ khá cao.

Cũng phải nói thêm, trong số các doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu, một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, thì sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cần một khoảng thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết như xây dựng nhà xưởng, mua sắm lắp đặt thiết bị,... trước khi sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ và đưa ra thị trường, do đó, chưa thể có phát sinh doanh thu trong thời gian này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này có thể vẫn có đóng góp cho GDP thông qua hoạt động đầu tư, mua sắm của mình.

Rõ ràng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh của Chính phủ đang tác động tích cực không chỉ đến niềm tin kinh doanh, mà còn thúc đẩy nhanh việc hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh.

Đương nhiên, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ sức sống của các doanh nghiệp mới thành lập cũng như các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm.

Tin bài liên quan