Hoàng Quân bị chất vấn vì dự án khủng tại Cần Thơ đình trệ

Hoàng Quân bị chất vấn vì dự án khủng tại Cần Thơ đình trệ

Nhiều dự án quy mô lớn tại Cần Thơ bất động trong suốt nhiều năm qua đã khiến hàng ngàn hộ dân trong vùng quy hoạch rơi vào cảnh khó khăn “đi không được, mà ở cũng không xong”.

Dự án Làng Đại học quốc tế Cần Thơ và Khu đô thị Hoàng Quân Cần Thơ (do CTCP Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ làm chủ đầu tư) có diện tích 320 ha tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền là một trong số những dự án chậm tiến độ được cử tri chất vấn nhiều nhất trong các kỳ họp HĐND Thành phố. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 676/UBND-QH ngày 24/1/2008 và Công văn số 522/UBND-KT ngày 6/2/2009 của UBND TP. Cần Thơ.

Dự án bao gồm Khu đô thị Hoàng Quân Cần Thơ (diện tích 164,2 ha); Đại học Quốc tế Mekong (102,4 ha); Dự án Khu tái định cư và Đại học Quốc tế Mekong (53,4 ha). Từ khi có chủ trương đầu tư đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Năm 2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ đã nhiều lần phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức họp bàn về việc rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án và đề nghị chủ đầu tư cam kết tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thời gian hoàn thành dự án, đồng thời cam kết ký quỹ theo quy định.

Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cho biết, mới đây, chủ đầu tư Dự án này đã xin điều chỉnh không xây dựng khu đô thị, mà chuyển sang làm nhà ở dành cho người có thu nhập thấp và đại học, với diện tích khoảng 102 ha. “Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ đang làm việc thêm với nhà đầu tư để yêu cầu ký quỹ, chứng minh năng lực tài chính, cam kết tiến độ làm cơ sở trình UBND Thành phố xem xét, quyết định”, bà Vỵ nói.

Với tổng mức đầu tư 538 triệu USD, công suất 2 triệu tấn/năm, sử dụng diện tích đất 250 ha, Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ được xem là dự án “khủng” của Cần Thơ. Sau gần 6 năm được cấp chứng nhận đầu tư, Dự án đã 4 lần thông báo thay đổi đối tác liên doanh, nhưng cho đến nay, vẫn đang ở vạch xuất phát.

Được biết, mới đây, Công ty TNHH Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ và đối tác liên doanh đã xin điều chỉnh giảm quy mô vốn đầu tư xuống còn 350 triệu USD, giảm diện tích dự án xuống còn 50 ha. Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ đã đề nghị nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, ký quỹ 5% chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư về đất (khoảng 11 tỷ đồng) và cam kết tiến độ thực hiện để trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A và Hưng Phú 2B (với tổng diện tích trên 400 ha) đã bắt đầu triển khai gần 10 năm nay, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Nguyên nhân chính là do chính sách về đền bù tái định cư có nhiều thay đổi, vị trí KCN lại nằm gần trung tâm Thành phố (khoảng 7 km), nên giá đền bù rất cao. Nếu tính tất cả chi phí, thì để có được 1 m2 đất công nghiệp tại đây, nhà đầu tư phải bỏ ra từ 80 đến 90 USD, nên mức giá cho thuê rất cao, khó có đầu ra. Trong khi đó, tại các KCN lân cận thuộc tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long, do chi phí đầu vào thấp, nên giá cho thuê  rất hấp dẫn. Chính sự cạnh tranh “không cân sức” này làm cho nhà đầu tư hạ tầng KCN tại Cần Thơ ngại bỏ vốn để đầu tư. Vì vậy, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã xin trả lại Dự án Đầu tư hạ tầng KCN Hưng Phú 2B (có diện tích hơn 62 ha), vì không đủ năng lực thực hiện.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Thành phố  đã rất tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, với mong muốn các dự án đều triển khai tốt, mang lại lợi ích cho địa phương và nhà đầu tư. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tình hình kinh tế và những thay đổi về chính sách làm cho chủ đầu tư gặp khó khăn. Thành phố cũng rất thông cảm cho nhà đầu tư, xem xét gia hạn dự án với mong muốn để nhà đầu tư có thêm thời gian “hồi phục sức khỏe” tiếp tục thực hiện dự án.

“Tuy nhiên, việc dự án chậm triển khai một thời gian dài ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong vùng dự án. Do đó, Thành phố đang thực hiện tổng rà soát lại dự án được chấp thuận đầu tư trên địa bàn và sẽ mạnh tay xử lý dứt điểm các dự án không có khả năng triển khai. Đồng thời, cũng yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghiêm việc ký quỹ theo Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND đối với những dự án có sử dụng đất, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng dự án, khi chủ đầu tư chậm triển khai hay dự án bị thu hồi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan